Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn chân thành các tổ chức quốc tế, các quốc gia và nhiều cá nhân đã giúp đỡ Việt Nam cùng đấu tranh chống lại đại dịch Covid-19, tiếp cận được nguồn vắc xin.

{keywords}

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ tiếp nhận vắc xin từ Covax. Ảnh: Trần Minh

“Điều đáng quý là chúng ta không chỉ chiến thắng bệnh tật, bảo vệ cuộc sống người dân mà trong lúc khó khăn nhất, giá trị tốt đẹp nhất của con người, cộng đồng, nhân loại lại được phát huy, nhân lên”, Phó Thủ tướng nói.

Nhờ sự nỗ lực các nhà khoa học, thế giới đã nghiên cứu ra vũ khí chống lại virus là vắc xin. Các nước giàu có không chỉ vì riêng mình mà chung tay cùng với các tổ chức quốc tế đóng góp tri thức, tiền của để các nước chưa phát triển, chưa nghiên cứu được vắc xin có thể được tiếp cận vắc xin trong bối cảnh còn rất khan hiếm.

Theo Phó Thủ tướng đây là điều hết sức trân quý, gần gũi, nhất là trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch. Ông tin tưởng, giá trị tốt đẹp này sẽ tiếp tục được duy trì, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển, còn rất nghèo nhưng luôn ý thức về phòng dịch, không để dịch bùng phát diện rộng, trước hết vì lợi ích người dân Việt Nam nhưng trong năng lực có thể cũng tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để khống chế dịch bệnh.

“Tôi rất cảm động khi một người bạn học từ xưa chia sẻ, chị ấy rất bất ngờ, xúc động khi được con mang về một chiếc khẩu trang do chính người Việt Nam làm và gửi sang châu Âu”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

{keywords}

Đại diện Liên Hợp Quốc cùng các tổ chức quốc tế, Đại sứ các quốc gia hỗ trợ Covax trao đại diện lô vắc xin đầu tiên cho Việt Nam. Ảnh: Trần Minh

Phó Thủ tướng cũng cho biết, dù Việt Nam không phải là nước phát triển nhưng ngay từ đầu Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ KH&CN cùng các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu phân lập virus, kit xét nghiệm và đang rất tích cực nỗ lực nghiên cứu, phát triển vắc xin để cùng cộng đồng quốc tế chung tay chống dịch.

Theo Phó Thủ tướng, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn, tổn thất về người và của nhưng cũng mang lại nhiều giá trị tốt đẹp. Thế giới chắc chắn còn nhiều biến động trong tương lai là điều không ai mong muốn nhưng luôn phải sẵn sàng tâm thế.

Vừa qua, những lô vắc xin đầu tiên của Covax chưa về Việt Nam nhưng qua nguồn nhập khẩu, Việt Nam đã nhận được hơn 117.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên và đã tiêm cho gần 50.000 người.

“Cách thức tiêm của Việt Nam dù khẩn trương nhưng hết sức thận trọng. Đến giờ phút này, về cơ bản tại Việt Nam đã thực hiện rất tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng tin tưởng, nếu 20% dân số được hỗ trợ vắc xin, chắc chắn nhân loại sẽ vượt được qua thách thức lớn của đại dịch Covid-19.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, lô vắc xin đầu tiên của Covax tới Việt Nam được xem là thời khắc lịch sử, một tin mừng với người dân Việt Nam và là một yếu tố giúp thay đổi cục diện chống dịch Covid-19.

Đây cũng là thời điểm bước ngoặt, đánh dấu tầm nhìn, sự chung tay của cộng đồng quốc tế, các tập đoàn tư nhân và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, UNICEFF, WHO… để cùng thế giới kiểm soát đại dịch.

“Thành công của Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh thời gian qua được thế giới đánh giá rất cao. Trong khi nhiều quốc gia không hành động hoặc chậm thì Việt Nam rất quyết đoán. Thành quả đó giúp Việt Nam không phải phong toả toàn quốc, hệ thống y tế vẫn hoạt động hiệu quả, người dân không trải qua hoảng loạn, lo lắng”, ông Kamal nhấn mạnh.

Ông Kamal Malhotra nói rõ, Covax coi vắc xin ngừa Covid-19 là hàng hoá công cộng nên cần được tiếp cận công bằng ở cả nước nghèo và nước giàu vì không một quốc gia nào có thể chống Covid-19 một mình.

Theo ông Kamal, nếu không thể điều phối vắc xin công bằng trên toàn cầu sẽ là thảm hoạ đạo đức.

Trong năm nay, Covax đặt mục tiêu phân phối 2 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19 và hơn 1 tỉ xi lanh đến 92 quốc gia thành viên là các nước thu nhập thấp và trung bình.

Tuy nhiên đến nay, do nguồn cung hạn chế, Covax mới phân phối được 53 triệu liều đến 73 quốc gia.

Với Việt Nam, Covax cam kết hỗ trợ 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca để tiêm cho 20% dân số. Từ nay đến cuối tháng 5 sẽ có thêm gần 3,4 triệu liều.

“Chính Phủ Việt Nam mong muốn có 150 triệu liều vắc xin để tiêm đủ 70% dân số nhưng có thể chúng ta cần kiên nhẫn hơn một chút, UNICEFF sẽ cùng hỗ trợ và rất may đã có một chính phủ cam kết đồng hành”, ông Kama nói.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ được hỗ trợ thêm một lô xi lanh và hơn 2.000 tủ bảo quản vắc xin cỡ nhỏ.

Tuy nhiên ông Kaman lưu ý, các quốc gia nhận được vắc xin sẽ gặp thách thức khá lớn về hạn sử dụng vắc xin. Với vắc xin AstraZeneca chỉ có hạn 6 tháng từ khi sản xuất nên khi đến được các quốc gia, thời gian còn lại không nhiều, vì vậy kế hoạch tiêm cần triển khai khẩn trương nhưng chặt chẽ, quy củ, trong đó ưu tiên lực lượng tuyến đầu chống dịch, người trên 60 tuổi, người có bệnh nền…

“Tại mỗi quốc gia, Liên Hợp Quốc luôn kêu gọi để không ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo mục tiêu tiêm vắc xin 70-80% dân số”, Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, trong năm nay Việt Nam chắc chắn có 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều do Covax hỗ trợ, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua thông qua hệ thống tiêm chủng VNVC.

Đến nay, Việt Nam đã nhận được tổng cộng hơn 900.000 liều vắc xin AstraZeneca. Lô vắc xin đầu tiên với 117.600 liều do VNVC đặt mua về Việt Nam vào ngày 24/2, hiện đã được tiêm cho gần 50.000 người tuyến đầu chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố.

Thúy Hạnh

Việt Nam nhận hơn 800.000 liều vắc xin đầu tiên từ Covax

Việt Nam nhận hơn 800.000 liều vắc xin đầu tiên từ Covax

Sáng 1/4, lô vắc xin viện trợ đầu tiên của Covax với số lượng hơn 800.000 liều đã cập cảng sân bay Nội Bài.