Trong thông cáo vừa phát đi tối 13/7, Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu 150 triệu liều vắc xin để tiêm phòng cho 70% dân số. Đến nay, nước ta đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều.
Trong số đó có 38,9 triệu liều do COVAX tài trợ, 30 triệu liều AstraZeneca ký hợp đồng với Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam VNVC, 31 triệu liều Pfizer ký với Chính phủ, 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho công ty Zuellig Pharma Việt Nam, và đang đàm phán mua 55 triệu liều (40 triệu liều Sputnik-V do Tập đoàn T&T đàm phán với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga và 15 triệu liều Covaxin do Bộ Y tế đang đàm phán với Ấn Độ).
Việt Nam đã tích cực vận động chính phủ các nước và các hãng sản xuất bán vắc xin cho và đẩy sớm thời gian chuyển giao vắc xin. Việc vận động này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh khan hiếm vắc xin toàn cầu hiện nay.
Lô vắc xin Moderna đã về đến sân bay Nội Bài qua cơ chế COVAX. Ảnh: UNICEF |
Tính đến ngày 12/7, Việt Nam đã nhận được khoảng 8 triệu liều vắc xin; sắp tới sẽ tiếp tục nhận thêm từ các nguồn đã đàm phán mà các nước và hãng sản xuất đồng ý chuyển giao sớm cho ta cũng như từ các nguồn hỗ trợ của các đối tác song phương và các tổ chức quốc tế.
Chương trình COVAX chính thức phân bổ tiếp cho Việt Nam hơn 1 triệu liều Pfizer-BioNTech trong khoảng từ tháng 7 và tháng 9, sau khi đã chuyển cho ta khoảng 4,5 triệu liều đến nay; đồng thời cam kết dành ưu tiên hơn cho Việt Nam trong các đợt phân bổ tiếp theo.
COVAX ủng hộ hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA, cử các chuyên gia đến Việt Nam hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất vắc xin đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và được thế giới công nhận, sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vắc xin trong khu vực.
Mỹ quyết định hỗ trợ khẩn cấp 2 triệu liều vắc xin Moderna trong tổng số 80 triệu liều Hoa Kỳ cam kết chia sẻ với các nước thông qua cơ chế COVAX; đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên nhận viện trợ vắc xin.
Hãng Pfizer chuyển sớm 97 nghìn liều vào ngày 7/7 mặc dù theo thỏa thuận Pfizer sẽ chuyển lô vắc xin đầu tiên trong tháng 9. Các doanh nghiệp Mỹ cũng ký các hợp đồng chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp của Việt Nam.
Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam 2 triệu liều vắc xin Astra Zeneca, viện trợ thêm 1 triệu liều trong thời gian tới (dự kiến chuyển vào ngày 16/7), sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam về thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao và bán công nghệ sản xuất vắc xin.
Trung Quốc viện trợ 500.000 liều Vero Cell của Sinopharm.
Anh cam kết đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên khi xem xét phân bổ 100 triệu liều vắc xin mà nước này hỗ trợ các nước thông qua COVAX và song phương; sẵn sàng trao đổi với AstraZeneca về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực tự sản xuất vắc xin.
Úc cam kết viện trợ Việt Nam 13,5 triệu AUD để mua vắc xin thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và tặng thêm 1,5 triệu liều AstraZeneca từ nay đến cuối năm 2021.
Nga tặng Việt Nam 1.000 liều vắc xin Sputnik-V (16/3).
UNICEF viện trợ Dự án “Hỗ trợ triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại Việt Nam năm 2021-2023”, trong đó viện trợ 1.910 tủ lạnh bảo quản vắc xin công suất lớn; huy động 10 triệu USD để thực hiện dự án.
Hàn Quốc hỗ trợ 30 triệu xi lanh tiêm tương đương khoảng 2,5 triệu USD.
Chính quyền và nhân dân một số bang của Đức gửi tặng 1 triệu bộ kít xét nghiệm nhanh Covid-19…
Thành Nam (Theo Vietnamnet)
- (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
- (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
- (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).