Theo ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế, Việt Nam hiện đảm bảo dự trữ đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Hiếu thông tin, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tham gia sản xuất máy thở, kit xét nghiệm SARS-CoV-2, khẩu trang, trang phục phòng chống dịch.

Việt Nam hiện có 105 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế với năng lực sản xuất tối đa 68,4 triệu chiếc/ngày; 4 đơn vị sản xuất găng tay khám Nitrile với năng lực tối đa là 60 triệu chiếc/tháng (trong trường hợp đủ nguyên liệu sản xuất).

Trang phục phòng chống dịch có 10 đơn vị sản xuất, năng lực tối đa 100 nghìn chiếc/ngày.

{keywords}
Nhân viên y tế mặc trang phục phòng dịch, đeo khẩu trang y tế, găng tay khi thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Covid-19 - Ảnh: Tuấn Kiệt

Về máy thở, hiện nước ta có 2 nhà sản xuất máy thở xâm nhập, năng lực tối đa 65 nghìn chiếc/năm và 2 đơn vị sản xuất máy thở không xâm nhập CPAP, năng lực tối đa 55 nghìn chiếc/năm.

Một số đơn vị trong nước cũng tham gia sản xuất sinh phẩm chẩn đoán SARS-CoV-2, gồm 2 nhà sản xuất sinh phẩm xét nghiệm PCR, 1 nhà sản xuất sinh phẩm Elisa/miễn dịch và 1 nhà sản xuất que thử SARS-CoV-2.

“Những trang thiết bị, vật tư này về cơ bản đủ để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Hiếu cho hay.

Trước đó, thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát tại nước ta, một số vật tư, đặc biệt là khẩu trang y tế rơi vào khan hiếm.

Lý giải về điều này, đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho hay, trước đây, khẩu trang y tế thường chỉ sử dụng trong các cơ sở y tế. Dịch Covid-19 bùng phát khiến vật tư này bắt đầu được mua gom, tiêu dùng ở quy mô toàn dân.

Lợi dụng nhu cầu ấy, một số đối tượng gom khẩu trang y tế, tăng giá bán và xuất khẩu ra nước ngoài để trục lợi, dẫn đến thiếu nguồn cung cho các cơ sở y tế và nhân dân.

Thời điểm trên, nguồn nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế cũng rất khó khăn. Một số nguyên vật liệu trong nước chưa sản xuất được (như màng lọc), chúng ta chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài (Trung Quốc). Trong khi đó, nước bạn lại hạn chế xuất nhập khẩu. Giá nguyên vật liệu tăng cao khiến các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế của Việt Nam không đủ nguyên liệu.

Ngoài ra, dịch bệnh bùng phát giai đoạn trong và ngay sau Tết Nguyên Đán, khi các doanh nghiệp chưa ổn định sản xuất, các công nhân còn nghỉ Tết. Số lượng hàng hóa lưu kho không còn nhiều khiến việc quay lại sản xuất sớm rất khó khăn.

{keywords}
 
{keywords}
Người dân TP.HCM đổ xô đi mua khẩu trang y tế thời điểm dịch bệnh mới bùng phát - Ảnh: Thảo Nguyên

Để cải thiện tình hình này, ngày 28/2/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết về việc áp dụng chế độ cấp phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, giao Bộ Y tế thực hiện.

Theo đó, Việt Nam chỉ cho phép xuất khẩu mặt hàng này với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước).

Bên cạnh đó, chúng ta còn áp dụng một số giải pháp như khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang vải thay thế, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh với nhà thuốc tăng giá bán khẩu trang,…

Sau này, việc cung ứng mặt hàng này đã dần đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ông Nguyễn Tử Hiếu nhấn mạnh, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế, đáp ứng nhu cầu dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế đã và đang có nhiều kế hoạch.

Trước hết, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm,…, từ đó đẩy mạnh sản xuất.

Bên cạnh đó, viện trợ cho các nước bị ảnh hưởng bởi dịch như Mỹ, Nga, Thụy Điển, một số nước Châu Phi,… để giúp các công ty trong nước đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ sản xuất và cấp phép lưu hành máy thở, khẩu trang, bộ trang phục phòng chống dịch, găng tay y tế,…

Đơn vị cũng lên kế hoạch đảm bảo mua sắm dự trữ trang thiết bị phòng chống dịch; phối hợp phổ biến quy định, chính sách hỗ trợ sản xuất và thanh kiểm tra các hành vi gian lận trong sản xuất thiết bị y tế.

Nguyễn Liên

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 1435 nhiễm biến thể mới của Covid-19

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 1435 nhiễm biến thể mới của Covid-19

Bệnh nhân 1435 - người nhiễm biến thể mới của Covid-19 và bệnh nhân 1440 đều có kết quả âm tính nhiều lần liên tiếp.