"Tôi theo đuổi vụ kiện này là vì kết quả của nó có thể trở thành án lệ góp phần đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam nói chung"

LTS: Năm 2009, một người phụ nữ Việt mang trong mình chất độc da cam đã ra làm chứng ở Tòa án công luận Quốc tế vì nạn nhân chất độc da cam. Đó là bà Trần Tố Nga, người được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh vì các hoạt động góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác Pháp- Việt. Tháng 1 năm nay, bà Trần Tố Nga sẽ cùng với LS William Bourdon gửi hồ sơ kiện các công ty hóa chất Mỹ.

Bà Nga đã trao đổi với phóng viên Tuần Việt Nam xung quanh câu chuyện này.

Thưa bà, trong một lá thư do Luật sư William Bourdon gửi tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 12 mới đây đã nhắc đến tên bà, gắn với một vụ kiện sắp tới ở Pháp về các nạn nhân chất độc da cam. Nguồn gốc câu chuyện này là từ  đâu, thưa bà?

-  Luật sư William Bourdon và các cộng sự của ông ấy ở Pháp hiện nay đang xúc tiến vụ kiện về các nạn nhân chất độc da cam, nhằm vào các công ty hóa chất Mỹ.

Chuyện này có nguồn cơn của nó.

Nhiều năm trước, vị LS nổi tiếng thế giới là ông William Bourdon, trong một lần gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói, nếu ông ấy tìm được một công dân Pháp bị ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin do Mỹ rải xuống VN trong chiến tranh, ông sẽ giúp giải quyết đến cùng vụ kiện đòi công lý cho những nạn nhân VN đang phải gánh chịu nỗi đau này. Gặp tôi, ông đã tìm thấy một người như vậy để thực hiện lời nói của mình.

Những ai đã theo dõi Tòa án công luận Quốc tế vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam diễn ra ở Pháp năm 2009 thì đã từng nghe/ biết đến câu chuyện của tôi.

Trong chứng thư gửi lên tòa, tôi viết tôi là Trần Tố Nga, tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1965, thuộc vào số những cô gái trẻ đầu tiên vào chiến trường miền Nam bằng đường bộ, với mục đích dạy học cho trẻ em các vùng mới được giải phóng. Nhưng cơ duyên đưa đẩy, tôi về làm việc tại Thông tấn xã Giải phóng, trở thành phóng viên chiến trường, sau đó được cử vào hoạt động trong Ban Mặt trận Trí vận Sài Gòn- Gia Định, hoạt động nội thành.

{keywords}
Bà Trần Tố Nga. Ảnh do nhân vật cung cấp


Tôi nhiễm chất độc da cam do máy bay Mỹ trực tiếp rải xuống trong giai đoạn ở chiến trường. Về sau, khi đi thăm các nạn nhân da cam ở một số tỉnh tôi mới ý thức rõ sự nhiễm độc này.

Bà có thể kể rõ hơn?

- Con gái đầu lòng của tôi, khi mới sinh ra cũng bụ bẫm. Nhưng rồi rất sớm sau đó da của cháu tróc từng lớp, cháu không lớn, thở rất khó nhọc. Tôi chưa dám một lần ôm cháu vào lòng vì cháu không chịu được sức ép, dù chỉ là sự ôm ấp của mẹ. Hóa ra cháu bị dị tật tim bẩm sinh, căn bệnh mang tên Tứ chứng Falot. Cháu chỉ sống được vẻn vẹn 17 tháng.

Đứa con gái thứ hai của tôi đã bị truyền từ tôi căn bệnh khó chữa mà y học gọi là Alpha thalassémie, cùng với nguy cơ ung thư máu .

Vậy cơ duyên nào đưa bà đến với  Luật sư William Bourdon, một luật sư chuyên về lĩnh vực bảo vệ nhân quyền, bảo vệ nạn nhân của toàn cầu hóa và của các tội ác chống nhân loại?

- Như tôi đã nói ở trên, LS William Bourdon rất quan tâm đến cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Nhưng để có thể tiến hành việc này họ cần phải tìm ra một  nạn nhân chất độc da cam có quốc tịch Pháp. Tôi là người có đủ điều kiện đó.

Trong suốt thời gian dài, tôi chưa có ý thức là chính mình bị  nhiễm  dioxine.

Khi các LS đặt vấn đề tham gia vụ kiện, tôi phải tiến hành các thủ tục xét nghiệm. Việc xét nghiệm được thực hiện ở  Đức, chứng tỏ rằng hàm lượng dioxin trong máu tôi cao hơn các chỉ số trung bình.

Kết quả xét nghiệm này là bằng chứng khoa học để cùng với toàn bộ hồ sơ được xác nhận về địa điểm và thời gian bị nhiễm chất da cam do máy bay Mỹ rải, trở thành căn cứ khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ. Các luật sư Pháp thật có lý khi cho rằng "Bà Nga là cơ may cuối cùng của nạn nhân da cam".

Mọi việc chuẩn bị cho Tòa án công luận quốc tế khi đó có suôn sẻ không, thưa bà?

- Khi biết tôi sắp ra làm nhân chứng cho vụ kiện, cũng có một vài người chưa hiểu rõ vấn đề. Nhưng trong quá trình thu thập tư liệu, lập hồ sơ tôi cũng đã được nhiều người hỗ trợ, động viên, chia sẻ. Không ít người cho rằng chỉ cần với hồ sơ đã được lập, không cần khởi kiện, tôi cũng có thể được bồi thường từ phía các công ty hóa chất Mỹ liên quan.

Nhưng, tôi theo đuổi vụ kiện này, đúng như ý kiến của các LS Pháp, là vì kết quả của nó có thể trở thành án lệ góp phần đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam nói chung. Mục đích đó giúp cho tôi sức mạnh vượt qua khó khăn.

{keywords}

"Tôi tin rằng công luận từ phía Việt Nam sẽ có một vai trò quan trọng góp phần tích cực vào kết quả vụ kiện"

Vậy còn với vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ sắp tới, bà đã chuẩn bị đến đâu?

- Sau phiên tòa này, Luật sư William Bourdon đã xúc tiến lập hồ sơ cho một vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ. Trong đó, tôi là người đứng tên để kiện. Mọi việc đang tiến triển thuận lợi.

Hồi tháng 9 vừa rồi, trong chuyến công tác tại Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Luật sư William Bourdon, để nghe về vụ việc  này. Sau khi nghe LS trình bày về ý nghĩa của vụ kiện, Thủ tướng đã hứa sẽ cùng cơ quan hữu quan trong nước có động thái hỗ trợ cần thiết.

Trên tinh thần đó, LS William Bourdon đã cử một nhóm công tác viên sang Hà Nội làm việc với các cơ quan hữu quan, và qua Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng, đã gửi thư tới Thủ tướng để thông báo tiến trình chuẩn bị vụ kiện, đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng trong nước xúc tiến các công việc hỗ trợ như đã hứa.

Bức thư đó có đoạn viết "Trong khi chờ đợi sự hồi đáp, chúng tôi vẫn xúc tiến công việc và đã hoàn thành phần nghiên cứu về mặt luật pháp để có thể bắt đầu khởi kiện. Mục đích của vụ kiện là nhằm để xác lập một  án lệ, trên cơ sở đó mở ra con đường cho tất cả các nạn nhân Việt Nam từng chịu ảnh hưởng của dioxine".

Theo bà, vụ việc này có triển vọng đến đâu?

- Đây là một vụ kiện có ý nghĩa lớn hơn nhiều việc bảo vệ lợi ích chính đáng của một cá nhân/ nạn nhân chất độc da cam, do tác động có thể có của nó đối với việc tìm giải pháp công bằng đối với các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam nói chung.

Hồ sơ vụ kiện đã được các LS và các nhà chuyên môn chuẩn bị đầy đủ, có cơ sở pháp lý và bằng chứng KH. Nó cũng được sự hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân có uy tín quốc tế. Ở Việt Nam ý nghĩa của nó ngày càng được nhận biết đầy đủ hơn từ phía Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm và cá nhân các vị lãnh đạo, các nhà khoa học và người dân.

Tuy nhiên, quá trình tiến hành và diễn tiến của vụ kiện chắc chắn không đơn giản và sẽ mất nhiều thời gian, công sức từ nhiều phía.

Tôi không còn trẻ, sức khỏe hao mòn nhiều, lại mang trong mình một số trọng bệnh, nhưng sẽ cố gắng làm mọi việc để vụ kiện có kết quả tốt.

Bà Trần Tố Nga sinh 1942 tại Sóc Trăng. Mẹ là bà Nguyễn Thị Tú, liệt sĩ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng; bà ngoại là Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Sau khi tốt nghiệp ĐH ở Hà Nội. Bà trở về Miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh, công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, 1971 được phân công về Ban Mặt trận Trí vận Sài Gòn Gia Định, hoạt động nội thành; 8.1974, bị chính quyền Sài Gòn giam giữ và tra tấn. Bà sinh người con gái thứ ba trong tù.

Sau 1975, bà là Hiệu trưởng các trường: PTTH lê thị Hồng Gấm,  Marie Curie và trường Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Hiện bà đang sống tại Pháp.


Lê Nhung