Không chỉ thế, con số các hãng khởi nghiệp công nghệ ngày càng gia tăng tại đây đang đảm bảo cho môi trường đầu tư tốt của Việt Nam. Josh Lieberman, chủ tịch của công ty KMS Technology, nhà phát triển các dịch vụ CNTT có văn phòng tại Atlanta và thành phố Hồ Chí Minh, đã có bài viết phản ánh sự hứa hẹn của Việt Nam đối với các hoạt động outsourcing đăng trên trang công nghệ Tech Crunch.

Việt Nam có gì hấp dẫn?

Lần đầu tiên Việt Nam đạt được mức đánh giá “tốt” của hãng nghiên cứu Gartner là vào năm 2010. Lúc đó, Việt Nam là một trong 30 quốc gia hàng đầu dành cho các dịch vụ outsource. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã cải thiện tốt lên rất nhiều, với sự trưởng thành liên tục của ngành công nghiệp outsourcing, với làn sóng nhân lực mới tốt nghiệp, với các khoản đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp mới thành lập. Một báo cáo của Gartner hồi tháng 1/2015 của Gartner đã xếp Việt Nam nằm trong nhóm những thị trường đang nổi hàng đầu, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ.

Trang CNTT Tech Crunch cho rằng, kỹ năng CNTT hiện đại tại Việt Nam đã ngang bằng, thậm chí một số trường hợp còn vượt quá Ấn Độ. Kỹ năng tiếng Anh của Việt Nam cũng rất xuất sắc. Việt Nam cũng đang trải qua thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ. Sự gia tăng của ngành công nghiệp công nghệ và các cơ hội phát triển có thể thấy rõ qua sự thành công của những nhà phát triển như Nguyễn Hà Đông với game Flappy Birds.

Ngoài ra, nền văn hóa làm việc tại Việt Nam cũng được đánh giá cao, lòng trung thành của nhân viên ngày càng được củng cố. Josh Lieberman cho biết KMS Technology đã hoạt động tại Việt Nam trong hơn 20 năm, và nhận thấy mức độ cam kết, tập trung và trung thành tại đây tiếp tục gia tăng. Ông cho biết củng cố lòng trung thành trong nền văn hóa công ty là điều rất quan trọng. Cần tạo ra một nền văn hóa nội bộ hấp dẫn, và KMS Technology đã làm điều này bằng cách đảm bảo cơ hội tăng trưởng cho nhân viên qua đào tạo, duy trì chính sách mở và khuyến khích một môi trường xã hội bằng các câu lạc bộ và các bữa tiệc cuối tuần.

Những điểm còn tồn tại

Tuy vậy, tại Việt Nam vẫn còn tồn tại những khoảng cách. Theo Chỉ số Tài năng toàn cầu năm 2015 (Global Talent Index), Việt Nam đã bị đánh tụt 1 hạng so với năm 2011, đứng thứ 53 trong năm nay.

Ngoài ra, khi thành lập một doanh nghiệp tại Việt Nam, vẫn còn nhiều thủ tục rắc rối. KMS Technology có một nhóm nhân sự địa phương có kinh nghiệm làm việc và điều hành lâu năm. “Chúng tôi phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các trường đại học trong nước và chính phủ”, tác giả Josh Lieberman viết. “Điều này cho phép chúng tôi tuyển dụng nhân sự thuận lợi, hiểu các chính sách thuế và đảm bảo các loại giấy phép hợp lý”.

Nếu có thể hiểu được thị trường tuyển dụng trong nước và có thể trả mức lương xứng đáng, nhân tài không hề thiếu. Nhưng tác giả cho rằng hiện Việt Nam vẫn thiếu một lực lượng nhân sự lớn để thúc đẩy tăng trưởng như tại Ấn Độ.

Một tương lai tươi sáng

Tác giả cho rằng Việt Nam vẫn còn rất mới và chỉ đang ở những ngày đầu phát triển, nhưng cả thế hệ nhân lực mới đang ngày càng trưởng thành và hệ thống giáo dục rất chú ý đến khoa học máy tính. Những đầu tư về nhân lực đó sẽ phát huy tác dụng khi ngành công nghệ lớn mạnh và nhiều công ty nhận ra điểm thu hút của nơi đây. Một tương lai tươi sáng hơn nữa được dự đoán sẽ đến trong thập kỷ tới.