- Các bệnh không lây nhiễm (BKLN) đang chiếm tới 70% gánh nặng bệnh tật chung ở Việt Nam và tỉ lệ tử vong ngày càng lớn.
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các BKLN.
Sự gia tăng của các bệnh này chủ yếu do 4 yếu tố nguy cơ chính: Sử dụng thuốc lá, không hoạt động thể lực, sử dụng rượu bia ở mức độ có hại và chế độ ăn uống không lành mạnh.
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tử vong ngày càng lớn của các BKLN. Theo báo cáo kết quả điều tra các yếu tố nguy cơ của BKLN năm 2015 của Bộ Y tế, trong nhóm tuổi từ 18 đến 69, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp là 18,9%. Lối sống không lành mạnh còn là nguy cơ dẫn đến một số bệnh không lây nhiễm khác như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư…
Việt Nam đang phải đối mặt gánh nặng lớn các bệnh không lây nhiễm |
Tại Việt Nam, theo khảo sát của Bộ Y tế năm 2015, trong số các trường hợp tăng huyết áp, chỉ có 43,1% từng được chẩn đoán bởi bác sĩ trước đó, đồng nghĩa 56,9% người bị tăng huyết áp không được phát hiện sớm. Trong số người tăng huyết áp được chẩn đoán, chỉ có 13,6% được quản lý tại các cơ sở y tế.
Nhận thấy BKLN ngày một phổ Việt Nam chiếm tới 70% gánh nặng bệnh tật chung ở Việt Nam trong khi nhận thức của người dân về các yếu tố nguy cơ còn thấp, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai rất nhiều hoạt động hỗ trợ ngành y tế Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Cùng với các nhà tài trợ khác, EU đã cung cấp chuyên gia kỹ thuật và tài chính cho Bộ Y tế để biên soạn và xuất bản cuốn “Hướng dẫn phát hiện sớm một số BKLN dùng cho cán bộ y tế tuyến cơ sở góp phần phát hiện sớm các BKLN ngay từ các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, với mong muốn là người có bệnh được điều trị sớm, trước khi bệnh trở nên trầm trọng hơn như các biến chứng đột quỵ đối với bệnh nhân béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp.
Các chuyên gia kỹ thuật của EU cho rằng, so với các nước trong khu vực và các nước phát triển, việc quản lý bệnh cùng trang thiết bị y tế của Việt Nam không thua kém, tuy nhiên, công tác dự phòng BKLN ở các nước được đẩy mạnh bằng việc kiểm soát chặt hơn và đánh thuế mạnh hơn vào các sản phẩm có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia v.v…) và thông tin rộng rãi đến người dân về tác hại của các loại thực phẩm công nghiệp, khuyến khích người dân ăn uống lành mạnh cũng như luyện tập thể thao…
Với sự chung tay, vào cuộc của toàn ngành y tế và đặc biệt là quyết tâm cao của Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, cuốn “Hướng dẫn phát hiện sớm một số BKLN dùng cho cán bộ y tế tuyến cơ sở” được coi như cẩm nang giúp các cán bộ y tế phát hiện sớm và xử lý ban đầu BKLN.
Như lời khẳng định của PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: “Phát hiện sớm BKLN là một giải pháp đã được chứng minh giúp giảm chi phí hiệu quả trong phòng, kiểm soát BKLN, giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, tăng cơ hội điều trị bệnh hiệu quả, làm chậm quá trình phát triển bệnh, biến chứng và giảm tử vong”.
Lưu Hường