Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự tiếp nối của cuộc cách mạng số, xuất hiện từ giữa thế kỷ trước kết hợp với một loạt công nghệ mới giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. Việt Nam làm gì để bắt kịp cuộc cách mạng này?
Khái niệm về “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” lần đầu tiên được đề cập trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được Chính phủ Đức thông qua vào năm 2012.
Đầu năm 2016, Diễn đàn kinh tế thế giới đã khai mạc với chủ đề “Làm chủ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Tại đây, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được cắt nghĩa rõ ràng, đó là sự tiếp nối của cuộc cách mạng số, xuất hiện từ giữa thế kỷ trước, kết hợp với một loạt công nghệ mới giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mới đang trong giai đoạn khởi phát là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam cần nhanh chóng đón bắt, tranh thủ để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Với các đàm phán hoặc ký các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới như TPP, EVFTA, EAEU,... không gian phát triển mới được mở ra từ hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam có cơ hội lớn về tiếp cận và tham gia cuộc cách mạng sản xuất mới đang diễn ra trên thế giới.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, nếu không xác định được mục tiêu rõ ràng, không có chiến lược phù hợp thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, đào tạo, phát triển khoa học - công nghệ thì sức ép đối với phát triển của Việt Nam còn lớn hơn nhiều, khoảng cách giữa nước ta với các nước phát triển sẽ ngày càng gia tăng.
Trước những vấn đề đặt ra như vậy, thời gian qua, tại Việt Nam cũng đã diễn ra một số hội thảo, tọa đàm liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư như: “Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2016”; Hội thảo quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục”; “Hội thảo đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực viễn thông đến năm 2025 - xu hướng và thách thức”,...
Để có thể bao quát mang tầm chiến lược và đưa ra những chủ trương, định hướng phát triển một cách toàn diện trong thời gian tới đối với Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo: “Cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam” vào thứ sáu, ngày 25/11.
Tại Hội thảo, các diễn giả, các tham luận tập trung vào hai nội dung chủ đạo:
Thứ nhất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Những đặc trưng cơ bản, tác động đến thế giới và Việt Nam.
Với chủ đề này, các tham luận chủ yếu đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng gợi ý, đề xuất một số chính sách cho Việt Nam.
Thứ hai, sự phát triển của một số lĩnh vực chính ở Việt Nam trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như khoa học và công nghệ, công nghiệp,... Đây là nội dung tập trung nhiều ý kiến tham luận nhất từ các đại biểu.
Thành Trung