Ngày nay, ô nhiễm mỗi trường đã tạo nên những tác động mang tính toàn cầu mà không giới hạn ở bất kỳ quốc gia nào. Các ảnh hưởng mang tính phổ biến của môi trường không chỉ tồn tại trong một không gian địa lý hẹp tại một quốc gia mà mở rộng ra. Các hiện tượng như biến đổi khí hậu, tình trạng băng tan và nước biển dâng, mất đa dạng sinh học ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải nhựa… xảy ra một cách phổ biến và ở bất kỳ quốc gia nào, không phân biệt giàu nghèo hay khoảng cách địa lý.

Bảo vệ môi trường là vấn đề toàn cầu, không có quốc gia nào có thể tự mình thực hiện mà không có sự phối hợp với các quốc gia và tổ chức quốc tế khác. Vấn đề của mỗi quốc gia và các quốc gia là năng lực về tài chính, kinh nghiệm, nhưng quan trọng hơn là tính ảnh hưởng phổ biến của vấn đề ô nhiễm mỗi trường lên tất cả các quốc gia mà không giới hạn riêng ở bất kỳ quốc gia nào. 

Bởi vậy, hợp tác quốc tế là một trong các biện pháp bảo vệ môi trường. Có nhiều biện pháp bảo vệ môi trường như biện pháp về kinh tế, biện pháp pháp lý, biện pháp chính trị - xã hội; trong đó biện pháp hợp tác quốc tế là một trong những biện pháp quan trọng. 

W-baclieu.png
Ảnh minh hoạ

Tính từ năm 1850 đến nay, trên thế giới đã có 3.700 hiệp ước, công ước và thỏa thuận khác về môi trường quốc tế. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia hơn 40 công ước quốc tế về vấn đề bảo vệ môi trường. Trong đó, có thể liệt kê một số văn kiện và nội dung tiêu biểu như sau:

Trên cơ sở các cam kết và nghĩa vụ theo Công ước toàn cầu về đa dạng sinh học (Công ước CBD), Việt Nam đã xây dựng được hệ thống các cơ quan quản lý, khung chính sách và pháp luật về đa dạng sinh học; hệ thống các khu bảo tồn đã được thành lập; các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm được bảo vệ bằng pháp luật và thông qua các chương trình hành động; tiếp thu và đẩy mạnh thực hiện các vấn đề mới của bảo tồn đa dạng sinh học như an toàn sinh học, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích có được từ việc sử dụng nguồn gen…

Để thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), Việt Nam đã xây dựng một hệ thống chính sách về bảo vệ và buôn bán động thực vật hoang dã (BBĐTVHD) tương đối đầy đủ ở nhiều mức độ từ chính sách, văn bản luật và dưới luật. Hệ thống chính sách, quy định pháp luật về BBĐTVHD đã được ban hành tương đối sớm và luôn được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam và phù hợp với các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như CITES, CBD và Nghị định thư CARTAGENA.

Sau khi chính thức ký kết tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change UNFCCC, từ năm 2005, một số chính sách, pháp luật trực tiếp liên quan đến biến đổi khí hậu được ban hành như Chỉ thị số 35 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2005; Nghị quyết số 60 của Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2008, Chiến lược quốc gia về BĐKH năm 2011, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2012. Ngoài những chính sách tiêu biểu ở trên, thời gian qua còn có rất nhiều chính sách, pháp luật có liên quan đến biến đổi khí hậu được ban hành trong các lĩnh vực tài nguyên, sinh học, nông lâm nghiệp, môi trường xây dựng, thủy lợi, giao thông, năng lượng, công nghiệp, y tế,… ví dụ như: Luật Đê điều năm 2006; Luật Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng năm 2010; Pháp lệnh Phòng chống lụt, bão; Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Viên về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giam tầng ô-zôn từ tháng 01/1994. Thực hiện các cam kết của mình, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 01/01/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC- 141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ 01/01/2015. Ngày 04/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn. Việc phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước, cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và loại trừ các chất HFC.

V.v...V.v...

Các nỗ lực hợp tác quốc tế này nhằm giải quyết những vấn đề về chống ô nhiễm mỗi trường có tính toàn cầu, liên quốc gia nhằm hướng tới lợi ích chung của toàn cầu và lợi ích của mỗi quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.