Nếu ai đó hỏi tôi về Việt Nam, tôi sẽ nói: “Việt Nam là một đất nước rất hạnh phúc, từng con người luôn lạc quan, vui vẻ, không phải lo lắng bất cứ điều gì xung quanh. Đặc biệt, họ luôn tin vào ngày mai, tin rằng ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm qua”.

Tôi đến Việt Nam cách đây 4 năm và ghi nhận đầu tiên về đất nước này là sự năng động, nhiều người trẻ và mối quan hệ giữa con người với nhau được coi trọng, mọi người luôn tìm cách để thân thiện, lúc nào cũng vui vẻ, cười đùa thoải mái.

Ngay cả ở công ty, buổi trưa, các bạn cùng mang cơm đến ăn tại bàn, nói chuyện rôm rả, tuy hơi ồn ào nhưng rất vui. Khi tôi kể chuyện này với bạn bè ở Nhật, họ rất ngạc nhiên, vì ở Nhật không có không khí này.

Về khía cạnh gia đình, Việt Nam bây giờ cũng vẫn còn thế hệ cháu sống với ông bà, hoặc cả ba thế hệ cùng sống trong một căn nhà. Điều này ở Nhật Bản không còn nữa nên tôi thấy rất đáng quý.

{keywords}

Độ xây dựng và đô thị hóa cũng thay đổi nhanh, các tòa nhà, nhà hàng sang trọng mọc lên khắp nơi, đầu tư nước ngoài cũng tăng trưởng mạnh và luật pháp cũng kịp ra đời để cập nhật những thay đổi này.

Tuy nhiên, 4 năm qua, tuy kinh tế Việt Nam phát triển khả quan nhưng vẫn chưa tạo được sự đồng bộ, các thủ tục hành chính, cách làm việc của các cơ quan hành chính vẫn chưa thay đổi, và so với các nước khác thì còn lạc hậu.

Mặt khác, tuy số đông người dân đều dùng các thiết bị công nghệ, điện thoại, máy tính, tivi hiện đại, có thể nói tương đương, thậm chí cao hơn cả mức tiêu dùng của người Nhật, nhưng đường sá, điện, nước, giáo dục, dịch vụ y tế còn yếu, chưa đảm bảo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư.

Để khắc phục điều này, Chính phủ cần lắng nghe ý kiến của những doanh nghiệp (DN) đi trước xem họ đang cần gì và đang gặp khó khăn gì để hỗ trợ kịp thời, giúp nhà đầu tư đến sau an tâm hơn.

Chẳng hạn, một trong những khó khăn chúng tôi gặp phải là sự thay đổi về luật pháp ở Việt Nam thường quá đột ngột, khi chúng tôi biết thì đã có hiệu lực nên chỉ còn cách phải cố gắng thay đổi để tuân thủ đúng luật pháp.

Với quyết định làm ăn lâu dài tại Việt Nam, Sapporo không chỉ xây nhà máy tại đây vào năm 2011 mà còn là một trong những DN tiên phong trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nhà máy Sapporo có hệ thống xử lý tương đương tiêu chuẩn Nhật Bản và được tỉnh Long An xem là nhà máy kiểu mẫu điển hình về hệ thống xử lý nước thải.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực triển khai chương trình học bổng cho sinh viên xuất sắc các trường đại học, vì luôn xem giáo dục thế hệ trẻ là nền tảng quan trọng nhất của một quốc gia muốn phát triển.

Các DN Việt Nam hiện nay phát triển rất nhanh chóng, và theo kinh nghiệm của chúng tôi, các DN muốn thành công thì nên có tầm nhìn dài hạn, ít nhất cho 10 năm sau.

Ở Nhật có khái niệm “tuyển dụng cả đời”, nghĩa là khi tuyển dụng nhân viên, DN Nhật Bản luôn phải có chiến lược dài hạn để đảm bảo cuộc sống cả đời cho người lao động, vì vậy, họ luôn nhìn rất xa.

Chính vì phát triển lâu dài nên dù nền kinh tế thuận lợi hay khó khăn, họ vẫn cố duy trì phát triển. Hơn nữa, khi DN xác định phát triển dài hạn như vậy thì chính phủ, các ban, ngành khác cũng phải có chính sách dài hạn hơn.

Một yếu tố quan trọng giúp các DN Nhật Bản thành công là vấn đề quản trị. Ở Nhật, các DN thường quản trị theo phương pháp 50 - 50. Chẳng hạn, ở Sapporo, chúng tôi thực hiện quản trị 50% top-down, 50% bottom-up.

Tức là song song với chỉ thị của cấp trên, nhân viên cấp dưới luôn là người đưa ra ý kiến đề xuất cải tiến hoặc thay đổi. Cách quản trị này giúp nhân viên cấp dưới người Việt phát huy sự nhạy bén, khuyến khích họ đưa ra ý tưởng mới.

Nói đến Tết ở Việt Nam, tôi thấy giống như những cái Tết tôi đã trải qua ở Nhật Bản 40 năm trước. Vào dịp Tết , mọi người cũng rất hân hoan, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, và có nhiều dự định tốt đẹp trong tương lai.

Ở Nhật Bản, những phong tục này đã mai một ít nhiều, nên đón Tết ở Việt Nam khiến tôi rất bồi hồi và có cảm giác như ở quê hương mình. Nếu ai đó hỏi tôi về Việt Nam, tôi sẽ nói: “Việt Nam là một đất nước rất hạnh phúc, từng con người luôn lạc quan, vui vẻ, không phải lo lắng bất cứ điều gì xung quanh. Đặc biệt, họ luôn tin vào ngày mai, tin rằng ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm qua”.

HIROFUMIKISHI - Tổng giám đốc công ty TNHH Sapporo Việt Nam/ Theo Doanh nhân SG