Sau ba thập niên thực thi UNCLOS, Biển Đông và một số vùng biển khác trên thế giới vẫn chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp, từ hợp tác đến cạnh tranh chiến lược, từ địa kinh tế, chính trị đến các vấn đề về an ninh truyền thống, phi truyền thống, từ sự hiện diện của các quốc gia đang phát triển đến sự can dự của các cường quốc; từ sinh kế của những ngư dân đến tính cấp bách trong bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và đại dương, khai thác và quản trị nguồn lợi thủy hải sản...

hoithao
Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế-Luật nhìn nhận UNCLOS 1982 quy định toàn diện các vấn đề pháp lý quốc tế về biển và đại dương, là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất để các quốc gia xác lập, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; quyền, nghĩa vụ và các tự do khác trong quá trình quản trị, khai thác, sử dụng biển và đại dương vì mục đích hòa bình.

Theo TS. Hoàng Công Gia Khánh, sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước UNCLOS, chúng ta đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật Biển Việt Nam được quốc hội thông qua vào ngày 21-6-2012, đó là cơ sở pháp lý để Việt Nam thực thi chủ quyền, quyền tài phán, quyền tự do khác được quy định trong khung luật UNCLOS.

Đồng thời, dựa trên nền tảng UNCLOS 1982, Việt Nam đã đàm phán và ký hết hàng chục văn bản, điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực vận tải biển, an ninh biển, đánh bắt cá và bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học về biển. Có thể nói rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia hình mẫu cho việc vận dụng UNCLOS 1982 cả về khía cạnh xây dựng luật pháp quốc gia và đồng thời ký kết các điều ước quốc tế.

UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất để các tổ chức quốc tế liên chính phủ, đặc biệt là Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổ chức Nông lương thực thế giới (FAO) ban hành các văn kiện chính trị, điều ước quốc tế về hàng hải, hàng không, thương mại quốc tế, an ninh biển, quản lý, bảo tồn, khai thác thủy sản và bảo vệ môi trường biển.

UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý để các quốc gia và vùng lãnh thổ có biển ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển.

Vì lẽ đó, UNCLOS 1982 được coi là “Hiến pháp về biển và đại dương” của cộng đồng quốc tế, điều ước quốc tế toàn cầu có tầm quan trọng thứ hai sau Hiến chương Liên Hợp Quốc".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, UNCLOS 1982 cần phải thay đổi để tiếp tục hoàn thiện, nhằm phát huy giá trị pháp lý quốc tế phổ quát của UNCLOS trong hiện tại và tương lai. Bởi có sự thay đổi không ngừng của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ hàng hải, hàng không; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển và đại dương; biến đổi khí hậu; sự phát triển của thương mại quốc tế; sự thay đổi nhanh chóng của địa chính trị quốc tế,...