Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa.

Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng cho biết, chỉ có 10% lượng rác thải nhựa ở Việt Nam được đem đi tái chế, còn lại 90% lượng rác thải nhựa sẽ bị chôn lấp, đốt, hoặc thải trực tiếp ra môi trường.

W-Racthai.png
Mỗi năm Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa

Phần lớn loại rác thải này sẽ thải ra khu vực biển, nơi rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước và các sinh vật biển khác. Các bãi biển ở Việt Nam có mức ô nhiễm nhựa cao, phần lớn có vị trí hoặc nằm cạnh bến tàu, khu dân cư, các khu tập trung nhiều hoạt động du lịch. Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được thu gom đưa đi chôn lấp vào đất, rác thải nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm làm thay đổi tính chất vật lý của đất, đồng thời gây ô nhiễm môi trường đất. Bên cạnh đó, nếu xử lý rác thải nhựa không đúng quy chuẩn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, tạo ra hiệu ứng nhà kính và làm ảnh hưởng một cách tiêu cực đến đời sống con người và các sinh vật sống.

Lượng rác thải nhựa quá cao gây ra gánh nặng với môi trường, vì vậy, xử lý rác thải nhựa đúng cách là ưu tiên hàng đầu hiện nay để góp phần bảo vệ môi trường. Trách nhiệm của mỗi chúng ta là thay đổi từ hôm nay để có một môi trường trong lành và cuộc sống tốt đẹp hơn.

PV