Báo VietnamNet trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc:
Thưa Ngài Chủ tịch,
Tôi rất vinh dự lần đầu tiên tham dự trực tiếp một Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do cá nhân Ngài Thủ tướng Ireland chủ trì về một chủ đề có ý nghĩa thời sự và chiến lược quan trọng là an ninh khí hậu.
Xin cám ơn Ngài Tổng Thư ký và các báo cáo viên khác vừa trình bày nhiều thông tin, khuyến nghị thực chất, sâu sắc.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Biến đổi khí hậu là thách thức to lớn trên toàn cầu và đang định hình tương lai của nhân loại. Tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu đang hiện hữu ở khắp các châu lục. Nước biển dâng de doạ nhấn chìm các quốc đảo Thái Bình Dương. Hạn hán nghiêm trọng kéo dài ở Tây Phi và Sừng Châu Phi. Thiên tai lũ lụt hoành hành ở Đông Nam Á. Suy thoái đa dạng sinh học ở Nam Mỹ hay băng tan bất thường ở Nam Cực. Biến đổi khí hậu đang lấy đi nguồn lực quý báu lẽ ra dành cho phát triển kinh tế-xã hội, và làm gia tăng đói nghèo, thất nghiệp, bất bình đẳng xã hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. |
Chúng ta đang chứng kiến những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tạo ra những tranh chấp tài nguyên thiên nhiên giữa các cộng đồng dân cư, buộc hàng chục triệu người phải tha hương tìm sinh kế, kích hoạt các mối đe doạ xuyên biên giới về an ninh sinh thái, môi trường, lương thực hay nguồn nước.
Những hệ quả này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành căng thẳng, bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc. Đây thực sự là "cảnh báo đỏ," là mặt trận không tiếng súng nhưng gây thiệt hại về kinh tế, sinh mạng không kém phần nguy hiểm như chiến tranh, xung đột nóng.
Tình hình đó, tôi xin chia sẻ 3 nội dung mà chúng ta cần tập trung hành động:
Thứ nhất, Hội đồng Bảo an cần phát huy vai trò đi đầu trong nỗ lực xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo về các nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động có các chiến lược, biện pháp về ngăn ngừa, xử lý hiệu quả. Các sứ mệnh ngăn ngừa xung đột, các phái bộ gìn giữ hòa bình và những hoạt động cứu trợ nhân đạo và tái thiết hậu xung đột do Hội đồng Bảo an quyết định triển khai cần lồng ghép thoả đáng yếu tố an ninh khí hậu.
Tôi xin đề xuất Liên hợp quốc thiết lập cơ sở dữ liệu tổng thể về tác động đa chiều của nước biển dâng để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách ứng phó ở cấp độ toàn cầu.
Thứ hai, cần đặt lợi ích của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, ở vị trí trung tâm để có thể xử lý hài hoà mối liên hệ mật thiết giữa an ninh, phát triển và nhân đạo. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện đầy đủ các Nghị quyết số 2532 và 2573 của Hội đồng Bảo an để sớm đạt ngừng bắn toàn cầu, bảo vệ thường dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu vực có xung đột vũ trang.
Thứ ba, cần bảo đảm chủ quyền, vai trò chủ đạo và năng lực tự cường của các quốc gia trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế để bổ trợ, kết nối các nguồn lực giúp triển khai hiệu quả Chương trình Nghị sự về Phát triển bền vững SDG-2030, Thỏa thuận COP21 Paris về biến đổi khí hậu và các thỏa thuận quốc tế lớn khác.
Chúng ta cần quyết tâm cắt giảm khí nhà kính, trong đó các nước phát triển cần tiên phong cắt giảm mạnh mẽ. Đồng thời cần dành nguồn lực thích đáng hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và tri thức để không quốc gia nào tụt lại phía sau trong cuộc chiến chung chống biến đổi khí hậu.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Thiên tai dồn dập đã gây nhiều tổn thất về người và của. Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, đang chứng kiến hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất ở mức kỷ lục, đe dọa trực tiếp sinh kế và đời sống của 20 triệu người dân cũng như an ninh lương thực của cả nước và khu vực.
Chính vì vậy, để thực hiện khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước và cũng là thể hiện trách nhiệm chung đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít carbon như đã cam kết tại COP21 Paris.
Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực ứng phó với các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu tại Hội đồng Bảo an, các diễn đàn đa phương và các khuôn khổ hợp tác song phương, khu vực khác. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nguồn lực, tư vấn chính sách của cộng đồng quốc tế để thực hiện tốt hơn các cam kết của mình.
Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng với quyết tâm hành động và đoàn kết quốc tế, các quốc gia sẽ chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng xanh và bền vững hơn cho mai sau.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Văn Hùng