Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng đặt mục tiêu rất rõ: Việt Nam phấn đấu sánh vai các nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Chiến lược thể hiện rõ tính toàn diện, bao trùm, liên ngành trong định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn để xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức văn minh. Chiến lược lần này tập trung nhiều vào phát triển nông dân, nông thôn bên cạnh phát triển nông nghiệp.
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 so với năm 2015 đạt 13,4%, trong đó ngành nông nghiệp tuy đạt mức tăng 9,1% nhưng đóng góp cao nhất tới 7 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của khu vực này. Giai đoạn 2016- 2020, giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm từ 14-16% trong GDP, bình quân tăng 2,54%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 1,8%/năm, đóng góp 1,32 điểm phần trăm vào mức tăng chung cả khu vực.
Thời gian qua, đăc biệt trong thời điểm năm 2021, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, song khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đạt tăng trưởng khá, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Trong bức tranh kinh tế quốc gia năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%.
Tại Hội nghị “Chuyển đổi các hệ thống lương thực - thực phẩm châu Á - Thái Bình Dương” diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức đầu tháng 10/2022, đại diện Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm chính, gia tăng sản lượng nông sản.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Quốc Doanh cho rằng, trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn như giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn tăng trưởng.
Sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam vẫn tăng trưởng cao so với các năm trước. Hầu hết các loại nông sản khác của Việt Nam đều giữ vững được sản lượng, hoặc đạt sản lượng tăng cao so với các năm trước, như: hồ tiêu, điều, cà phê, chè, trái cây… vẫn duy trì và tăng lượng xuất khẩu, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và góp phần kiềm chế lạm phát giá nông sản, lương thực và thực phẩm trên toàn cầu.
Song bên cạnh những con số tích cực trên, ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng chưa bền vững, có quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, công tác bảo quản chế biến kém phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn, năng suất lao động thấp, thu nhập của người nông dân vẫn còn bấp bênh. Trong khi đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thu hẹp diện tích canh tác, biến đổi khí hậu…
Chính vì vậy, để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần hòa nhịp và tích hợp giá trị cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bằng nền nông nghiệp tri thức, nông nghiệp thông minh thông qua một trong những nguồn lực vô hình là đổi mới sáng tạo (ĐMST). Để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tập trung vào một số nội dung cốt lõi:
Phát triển nền nông nghiệp bền vững: Đảm bảo cơ hội phát triển cho các thế hệ tương lai, khả năng thích ứng và chống chịu biến động, cân đối, hài hòa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế, tái tạo nguyên liệu, năng lượng,. trong sản xuất.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái: Áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư và tài nguyên đầu vào, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe con người; tôn trọng và vận dụng các quy luật tự nhiên để phát triển nông nghiệp thuận thiên, đa dạng.
Chuyển từ ngành sản xuất sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.
Nông nghiệp công nghệ cao: Phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng, khả năng thích nghi, hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất... Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, ứng dụng công nghệ số,...
Phát triển nông nghiệp có trách nhiệm: Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái và công bằng xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu...; bảo vệ quyền lợi, chính đáng của người sản xuất và kinh doanh, đảm bảo công bằng cho người sản xuất nhỏ, các đối tượng yếu thế. Phát triển thị trường xuất khẩu đi đối với thị trường nội địa.
Đẩy mạnh tư duy phát triển bao trùm: Gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, giữa các địa phương thông qua phát triển các “Cụm ngành”, giữa chuỗi giá trị trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu; giữa kinh tế nông thôn và kinh tế đô thị, hộ nông dân với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài...
Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, xây dựng mô hình trình diễn, hình thành lực lượng tư vấn, xây dựng giáo trình để từng bước chuyển đổi tư duy từ trung ương đến địa phương, toàn thể các tác nhân trong ngành. Giao trách nhiệm cho các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan truyền thông trong ngành, các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề và các cơ quan liên quan ở trung ương và địa phương xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động.