Với đường bờ biển dài trên 3.260 km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ.
Việt Nam cũng có tiềm năng lớn về kinh tế biển. Ngành kinh tế biển được đánh giá sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của kinh tế, xã hội đất nước.
Để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, một trong những giải pháp đặt ra là phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu biển và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển.
Cụ thể hóa điều này, mới đây Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Khoa học và Kinh tế biển”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã cập nhật, chia sẻ những nghiên cứu mới nhất liên quan đến các vấn đề hải dương học, hệ sinh thái và nền kinh tế biển, các mô hình tính toán trong nghiên cứu biển và đại dương.
Hội thảo cũng đề cập tới vấn đề ô nhiễm vi nhựa trong môi trường và phát triển năng lượng tái tạo từ biển. Đồng thời, các nhà khoa học đã đưa ra những thảo luận, đề xuất khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế xanh trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm của địa phương là thành phố Hải Phòng.
Mối quan hệ hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp đã được hình thành hơn 20 năm trước đây, từ năm 1999.
Hai bên đã cùng nhau xây dựng và triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu chung nhằm phục vụ cho các mục tiêu về phát triển bền vững.
Trong đó, có thể kể đến các nghiên cứu về biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong lĩnh vực sinh thái và môi trường biển, mối quan hệ giữa con người và môi trường sống tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, trong năm 2024, đơn vị này sẽ hợp tác với Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp để triển khai chuyến khảo sát sinh thái và môi trường biển chung.
Đây là chuyến khảo sát biển chung lần thứ 2 được thực hiện bởi VAST và IRD. Trước đó, vào năm 2014, hai bên đã cùng tiến hành các hoạt động đo đạc về quang học biển, trầm tích, thủy văn, thủy hóa và vật lý biển ở vùng biển ven bờ sông Mê Kông, vùng biển Hải Phòng - Hạ Long và ven bờ châu thổ sông Hồng bằng tàu nghiên cứu khoa học ALIS (Pháp).
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Quân, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): “Chúng ta không chỉ tiếp thu các kỹ thuật nghiên cứu tiên tiến của phía bạn, mà cũng tiến tới dần việc chủ động đề xuất các vấn đề mà Việt Nam quan tâm. Điều này nhằm giải quyết các bài toán cụ thể về quản lý tài nguyên môi trường biển và phát triển bền vững kinh tế biển”.
“Thông qua hợp tác giữa VAST và IRD, Việt Nam đã đào tạo được mỗi đội ngũ cán bộ khoa học trẻ tiềm năng. Hợp tác này cũng khẳng định vị thế của Việt Nam về khoa học công nghệ biển, có những đóng góp tích cực đối với cộng đồng nghiên cứu về khoa học biển trên thế giới”, PGS.TS Nguyễn Văn Quân nói.
Trong năm 2024, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp cũng sẽ phối hợp tổ chức các khóa học chuyên đề, đồng thời triển khai Phòng thí nghiệm nghiên cứu về Địa chất và Hải dương học LEGOS và Phòng thí nghiệm hỗn hợp quốc tế LOTUS nghiên cứu hệ thống kết hợp đất liền - đại dương - khí quyển tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt – Pháp).