Những năm qua, dù giá thuốc trên thế giới liên tục biến động, song giá thuốc của hầu hết các loại biệt dược gốc và thuốc generic ở nước ta đều ở mức thấp so với các nước trong khu vực ASEAN như các nhóm thuốc điều trị trăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu, kháng sinh, ung thư…

Cụ thể, theo số liệu của Tổ chức dữ liệu Y tế toàn cầu IMS/IQVIA về so sánh giá thuốc biệt dược gốc sử dụng nhiều nhất tại các nước Đông Nam Á (ASEAN), cụ thể: Trong quý II năm 2016, đối với nhóm thuốc trị bệnh đái tháo đường: giá thuốc biệt dược gốc tại Việt Nam thấp hơn so với giá trung bình nhóm thuốc này của các nước ASEAN (chỉ bằng 0,9 lần giá thuốc trung bình tại các nước ASEAN), trong khi đó tại Thái Lan và Philippine thì đều cao hơn giá trung bình từ 1,31 đến 1,4 lần.

Đối với các thuốc generic sử dụng nhiều nhất tại các nước ASEAN cũng cho thấy, giá nhóm thuốc trị bệnh đái tháo đường của Việt Nam chỉ bằng 0,56 lần so với giá trung bình của các nước ASEAN, trong khi đó tại Singapore, Philippine, Thái Lan và Indonesia cao hơn từ 1,54 đến 11,02 lần.

Để có được điều nay, nhiều năm qua, ngành y tế đã tích cực áp dụng nhiều biện pháp để quản lý giá thuốc.

{keywords}
Kết hợp nhiều biện pháp quản lý giá thuốc đã giúp giá thuốc ở Việt Nam có mức thấp trong khu vực

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, Cục đã phối hợp xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý giá thuốc: Luật Dược 2016, Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 và các Thông tư liên quan đến đấu thầu thuốc: Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 sau đó được thay thế bằng Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 quy định việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập, Thông tư số 09/2016/TT-BYT ban hành danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá, Thông tư số 10/2016/TT-BYT ngày 05/5/2016 sau đó được thay thế bằng Thông tư số 03/2019/TT-BYT ngày 28/3/2019 ban hành danh mục thuốc trong nước đáp ứng nhu cầu điều trị giá thuốc và khả năng cung cấp.

Trên cơ sở các quy định về quản lý giá thuốc và đấu thầu thuốc tại các văn bản nêu trên, Cục Quản lý Dược phối hợp chặt chẽ với Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương đã triển khai các giải pháp đồng bộ, vì vậy về cơ bản trong những năm vừa qua giá thuốc được bình ổn, tiết kiệm ngân sách cho quỹ bảo hiểm y tế.

Về các biện pháp cụ thể, theo Điều 107, Luật Dược 2016 chỉ rõ có 7 biện pháp chính:

1. Đấu thầu thuốc dự trữ quốc gia theo quy định của Luật Đấu thầu và pháp luật về dự trữ quốc gia; đấu thầu thuốc mua từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập theo quy định của Luật đấu thầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đấu thầu hoặc đặt hàng hoặc giao kế hoạch đối với thuốc phục vụ chương trình Mục tiêu quốc gia, quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa theo quy định của pháp luật về cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích.

3. Kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường và kê khai lại khi thay đổi giá thuốc đã kê khai.

4. Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ thuốc bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược; in, ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc; thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác.

5. Thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của Luật giá đối với thuốc thuộc Danh Mục thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội.

6. Thực hiện hình thức đàm phán giá đối với gói thầu mua thuốc, dược liệu chỉ có từ 01 đến 02 nhà sản xuất, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền, thuốc có hàm lượng không phổ biến và trường hợp đặc thù khác.

7. Quy định thặng số bán lẻ tối đa đối với thuốc bán tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Có thể thấy, trong 5 năm trở lại đây, hoạt động đấu thầu thuốc tập trung đã phát huy hiệu quả, giúp ngân sách tiết kiệm nhiều chi phí. Theo thống kê kết quả trúng thầu của các Sở y tế, bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, trị giá tiền mua thuốc đã tiết giảm được 35,5% so với quy định cũ.

Đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc còn bảo hộ và những thuốc có nguy cơ độc quyền có 1-2 cơ sở sản xuất, thực hiện cơ chế quản lý giá thuốc bằng hình thức đàm phán giá thuốc theo quy định Luật đấu thầu năm 2013 và Luật dược năm 2016. Năm 2018, Hội đồng đàm phán giá thuốc - Bộ Y tế triển khai đàm phán giá đối với 04 biệt dược gốc sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2019 và năm 2020 đã giảm 551 tỷ đồng.

Minh Thư