Năm 2023 là năm thứ 8 Việt Nam triển khai “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” với các hoạt động không ngừng được đổi mới, đa dạng hóa về nội dung và hình thức, thiết thực góp phần làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi của các tổ chức, cá nhân; huy động sự tham gia của các các cấp, các ngành trong thực hiện các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, từng bước thu hẹp dần khoảng cách giới trên mọi lĩnh vực.

Việc lựa chọn chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” cho Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 (diễn ra từ ngày 15/11đến 15/12) thể hiện ưu tiên và nội dung trọng tâm của Việt Nam hiện nay trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, nhằm phát huy năng lực, vai trò, tiềm năng của phụ nữ và nam giới cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Qua 7 năm triển khai (2016-2022), đã có hơn 10 triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp của Tháng hành động, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hằng năm, 100% các địa phương và nhiều bộ ngành, cơ quan trung ương đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng.

W-anhminhoa.png
Ảnh minh hoạ

Năm 1999, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 25-11 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tình trạng bạo hành giới. Đây là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ trên thế giới, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, khoảng 35% phụ nữ trên thế giới từng là nạn nhân của bạo lực về thể chất hay tình dục. Có hàng triệu phụ nữ và bé gái phải sống ở những nơi mà mọi hành động bạo lực đối với họ không bị xã hội coi là tội phạm.

Một mục tiêu khác vẫn chưa thể giải quyết, đó là sự bất bình đẳng trong cơ hội việc làm, chia sẻ trách nhiệm cũng như nắm giữ các vị trí trong xã hội. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mặc dù đã đạt được một vài tiến bộ tại một số khu vực trên thế giới, song vẫn còn hàng triệu phụ nữ bị phân biệt đối xử khi tìm kiếm việc làm. Báo cáo có tên “Phụ nữ đi làm: Những xu hướng trong năm 2016” của ILO đã nghiên cứu dữ liệu của 178 nước và đi đến kết luận rằng, tình trạng bất bình đẳng nam nữ vẫn tồn tại khá nghiêm trọng trên khắp các thị trường lao động toàn cầu.

Đáng chú ý, trong 2 thập niên qua, những tiến bộ đáng kể trong công tác giáo dục cho phụ nữ vẫn chưa tạo được bước chuyển tương xứng cho vị thế của phụ nữ tại nơi làm việc. Ở cấp độ toàn cầu, khoảng cách bất bình đẳng nam nữ tại nơi làm việc chỉ được thu hẹp có 0,6% kể từ năm 1995, với việc trong năm 2015, tỷ lệ có việc làm trên tổng dân số là 46% ở nữ giới và gần 72% ở nam giới. Trong năm 2015, trên thế giới có 586 triệu phụ nữ làm những công việc gia đình hoặc tự buôn bán nhỏ. Tính chung trên toàn thế giới, có 38% số nữ giới và 36% số nam giới làm những công việc được trả lương, song không được hưởng an sinh xã hội. Tỷ lệ này ở phụ nữ tại khu vực tiểu vùng Sahara của châu Phi lên tới 63,2% và 74,2% ở Nam Á, nơi lực lượng lao động chủ yếu làm các công việc tạm thời.

ILO cũng đưa ra những số liệu mới về giờ làm việc được trả lương và không được trả lương cũng như quyền tiếp cận lương hưu và bảo vệ thai sản tại 100 quốc gia. Theo đó, trong một ngày, phụ nữ tiếp tục phải làm nhiều thời gian hơn nam giới xét cả về công việc được trả lương lẫn không được trả lương. Tính trung bình tại cả quốc gia thu nhập thấp lẫn thu nhập cao, phụ nữ mỗi ngày phải làm nhiều hơn nam giới ít nhất là 2 tiếng rưỡi công việc nhà hoặc việc chăm sóc người thân (không được trả lương). Ngoài ra, tại hơn 100 quốc gia được khảo sát, có hơn 1/3 số nam giới đi làm (35,5%) và gần 1/3 số phụ nữ đi làm (25,7%) làm việc hơn 48 giờ/tuần. Điều này cũng dẫn đến việc phân chia công việc nhà và việc chăm sóc người thân (không được trả lương) không đồng đều giữa nam giới và nữ giới.

Không chỉ có vậy, những bất lợi chồng chất mà nữ giới phải đương đầu trên thị trường lao động sẽ để lại những tác động đáng kể cho cả những năm sau đó. Xét về lương hưu, tiền chi trả (cả hợp pháp lẫn trên thực tế) cho phụ nữ thấp hơn nam giới, dẫn đến sự chênh lệch về giới tính trong vấn đề bảo trợ xã hội. Trên toàn cầu, tỷ lệ phụ nữ được hưởng lương hưu thấp hơn 10,6% so với nam giới. Phụ nữ cũng chiếm gần 65% số người ở tuổi nghỉ hưu (60 - 65 tuổi) không được hưởng bất kỳ khoản hưu trí nào. Điều này có nghĩa là có khoảng 200 triệu phụ nữ cao tuổi đang không được hưởng bất kỳ thu nhập thường xuyên nào dành cho người già, trong khi con số này ở nam giới chỉ có 115 triệu người.

Xét về lương, thu nhập của phụ nữ vẫn thấp hơn 77% so với nam giới. Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này không chỉ là sự khác biệt về giáo dục hay tuổi tác. Sự chênh lệch này có liên quan đến việc đánh giá thấp công việc của nữ giới, sự phân biệt đối xử và việc phụ nữ phải chịu sự gián đoạn trong sự nghiệp hay phải giảm bớt giờ làm việc được trả lương để gánh vác những trách nhiệm chăm sóc người thân như nuôi con nhỏ.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tiến trình xóa bỏ khoảng cách chênh lệch về tiền lương giữa nam giới và nữ giới trên toàn cầu đã bị chững lại sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, và phải mất ít nhất 118 năm nữa mới có thể hy vọng xóa nhòa cách biệt này. WEF chỉ ra rằng, chênh lệch khoảng cách giữa hai giới xét trên mọi khía cạnh từ giáo dục, y tế đến vị thế chính trị là rõ ràng. Ngay cả ở những nơi mà các chính sách chính trị và thương mại đang được cải tiến thì rất nhiều chủ sử dụng lao động vẫn bố trí ngày làm việc và trả lương cho người lao động với quan niệm phụ nữ có trách nhiệm chăm lo cho gia đình còn đàn ông giữ vai trò trụ cột trong công việc.

Nhóm PV