Việc thông qua Tuyên bố chung về Thúc đẩy Phụ nữ, Hòa bình và An ninh trong ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 năm 2017 là dấu mốc ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong kiến tạo hòa bình, ngăn ngừa và giải quyết xung đột cũng như trong phục hồi của khu vực.
Điều này đã được nhắc lại tại Hội nghị Khoa học đầu tiên của ASEAN về thực hiện chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS) ở ASEAN vào tháng 8 năm 2019 và sau đó là Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về Tăng cường vai trò của phụ nữ vì Hòa bình và An ninh bền vững được tổ chức vào tháng 9 năm 2020. Khu vực ASEAN đã thể hiện cam kết ở mức độ cao để tích hợp các vấn đề liên quan đến chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh vào các chính sách và cũng như khuôn khổ hoạt động cấp khu vực trong cả ba trụ cột cộng đồng ASEAN đó là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.
Năm nay, đã khởi động xây dựng Kế hoạch cũng là một trong những khuyến nghị chính của Nghiên cứu khu vực ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women).
Việc xây dựng Kế hoạch hành động khu vực nói trên có sự tham gia, giám sát của nhiều cơ quan ngành ASEAN về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nhân quyền, quản lý thảm họa và hỗ trợ nhân đạo.
Bà Samvada Kheng, Quốc vụ khanh Bộ Các vấn đề phụ nữ Campuchia, đầu mối ACW tại Campuchia, đồng thời là Chủ tịch Nhóm cố vấn mở rộng ASEAN về WPS khẳng định: “Cách tiếp cận liên ngành và đa bên là cần thiết để tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ vào các quá trình xây dựng hòa bình và ngăn ngừa, giải quyết xung đột và hậu xung đột".
Cách tiếp cận này cũng phù hợp với các cam kết khu vực và quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Tuyên bố chung ASEAN về thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Ngọc Dũng