Bộ NN-PTNT vừa tổ chức lễ ra mắt Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Văn phòng chỉ đạo đề án đang phối hợp với các đơn vị xây dựng và trình Bộ NN-PTNT ban hành Kế hoạch triển khai đề án; ban hành quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải phục vụ đề án. Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát mô hình triển khai đề án tại Kiên Giang, Đồng tháp trên tổng số 5 tỉnh được lựa chọn làm mô hình điểm.
Đặc biệt, Văn phòng điều phối cũng xây dựng và tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo xin ý kiến quy trình đo đếm, báo cáo, thẩm định phát thải MRV; xây dựng chương trình đào tạo tăng cường năng lực, kế hoạch truyền thông và khuyến nông cộng đồng…
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, Đề án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL; đồng thời hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là cách tiếp cận và tư duy rất mới, khó thực hiện, nhưng sẽ kích thích chúng ta không ngừng nỗ lực để tạo ra giá trị mới. Do đó, Bộ trưởng kỳ vọng, các thành viên của Văn phòng điều phối thực hiện đề án cần làm việc với tinh thần “dốc hết sức chứ không phải cố hết sức”.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay Văn phòng Ban chỉ đạo triển khai xây dựng cơ chế pháp lý, cơ chế vận hành, đưa được mô hình và kết quả cụ thể để sớm khẳng định được ý nghĩa và hiệu quả của đề án.
Theo ông Nam, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải” và Cục Trồng trọt sẽ công bố tiêu chuẩn cơ sở ban đầu.
Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các đơn vị và địa phương ĐBSCL triển khai 5 mô hình điểm với ít nhất 250ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Quá trình thí điểm sẽ làm liên tục trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025-2026.
Đầu tháng 5/2024, Bộ sẽ họp với các tỉnh ĐBSCL và các đơn vị, tổ chức liên quan để thảo luận, xin ý kiến góp ý xây dựng cơ sở pháp lý liên quan đến chi trả tiền giảm phát thải. Cùng với đó, làm việc với Ngân hàng Thế giới để thống nhất, trình Chính phủ xem xét phê duyệt.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới ước tính vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu ha ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon.
Đặc biệt, với đề án này, Ngân hàng Thế giới cũng đã cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn CO2. Tính ra, 1ha lúa có thể thu về 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon. 1 triệu ha có thể thu về khoảng 100 triệu USD/năm.