Không phải ngẫu nhiên mà một công ty nghiên cứu của Singapore đặt vấn đề Việt Nam sẽ soán ngôi Singapore để lọt vào Top 5 nước xuất khẩu điện tử khu vực châu Á. Nhưng cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Liệu Việt Nam có nắm được cơ hội này, hay sẽ nhường lối cho các nước Lào, Campuchia đang có lợi thế về lao động giá rẻ?
Theo đánh giá của công ty nghiên cứu hàng đầu Singapore - DBS, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á năm 2014, với nhân tố đóng góp chính là mảng sản xuất. Trong đó, không thể không kể tới ngành điện tử.
Việt Nam sẽ soán ngôi Singapore để trở thành nhà xuất khẩu điện tử lớn thứ 5 châu Á?
Trong vòng 4 năm qua, xuất khẩu điện tử của Việt Nam tăng trưởng 78% mỗi năm, cán mốc 35 tỷ USD trong năm 2014. Tính trong tổng thể, xuất khẩu điện tử chiếm 23% tổng kim ngạch năm 2014, tăng vọt so với mức khiêm tốn 5% trong năm 2010.
So với khu vực, ngành điện tử của Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế của mình. Trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu từ 8 nước châu Á (trừ Việt Nam) tăng 17% trong giai đoạn 2010 – 2014, kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam tăng tới 10 lần.
Chỉ tính riêng trong năm 2014, khi 8 nền kinh tế châu Á xuất khẩu khoảng 1 nghìn tỷ USD giá trị hàng điện tử, thì Việt Nam chiếm 3,5%, tăng so với tỷ lệ khiêm tốn 0,4% năm 2010.
“Việt Nam đã vượt trên Philippines và Thái Lan, hướng tới soán ngôi Singapore để trở thành nhà xuất khẩu điện tử lớn thứ năm trong khu vực trong 2 năm tới”, DBS dự đoán.
Lợi thế thuộc về “tay chơi mới nhất”
Cuộc cách mạng công nghiệp điện tử tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2010 xuất phát từ nhiều yếu tố.
Thứ nhất, do đối mặt với tổng cầu yếu và áp lực chi phí, nhiều nhà sản xuất trên toàn cầu tìm các địa điểm sản xuất mới với chi phí rẻ hơn.
Thứ hai, do cạnh tranh tăng lên, nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng càng trở nên bức thiết. Các chính sách thu hút FDI hiệu quả của Việt Nam, kết hợp với đồng nội tệ giảm và nguồn lao động giá rẻ đã tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành điện tử.
Sự vươn lên của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam một phần là nhờ sự dịch chuyển mang tính cấu trúc trong mạng lưới cung cấp khu vực. Việt Nam đã giành thị phần từ rất nhiều đối thủ lân cận.
Sau nhiều năm tăng trưởng nóng, mức lương trung bình tại Trung Quốc hiện cao gấp 3 lần Việt Nam. Thực tế này tạo sức ép lên tỷ suất lợi nhuận, buộc các nhà sản xuất phải dịch chuyển trụ sở sản xuất.
Một “điệp khúc” lặp lại nhiều lần ở châu Á là: Khi lương và thu nhập tại các nước thành công tăng lên, cánh cửa cơ hội mở ra cho những “tân binh” có chi phí sản xuất thấp hơn. “Việt Nam đang là tay chơi mới nhất trong lĩnh vực này”, DBS nhận xét.
Ngoài lợi thế về chi phí, vị trí địa lý cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng. Vị thế nằm gần Trung Quốc khiến Việt Nam dễ dàng thâm nhập chuỗi cung ứng sẵn có. Tầng lớp trung lưu ngày một tăng góp phần tăng cầu nội địa, từ đó càng củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà sản xuất quốc tế.
Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang trên đà tăng mạnh trong những năm gần đây. Các ngành sản xuất thâm dụng lao động không còn là lĩnh vực hút vốn ngoại duy nhất. Những nhà sản xuất điện tử công nghệ cao gia tăng về số lượng và quy mô tại Việt Nam sau khi chuyển hướng khỏi Trung Quốc. Có thể kể đến một số cái tên như Intel, LG, Panasonic hay Microsoft…
DBS đánh giá xu hướng này sẽ còn được duy trì trong tương lai. Ông lớn ngành điện tử của Hàn Quốc - Samsung Electronics – đã tuyên bố trong năm ngoái sẽ rót thêm 3 tỷ USD xây dựng một nhà máy smartphone tại Việt Nam, bên cạnh nhà máy 2 tỷ USD đang hoạt động.
Ngành điện tử VN sẽ phát triển bền vững hay nhường chỗ cho tay chơi mới hơn?
Trong dài hạn, chính phủ Việt Nam kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử sẽ đạt mức 40 tỷ USD trước năm 2017, tương ứng mức phát triển trung bình 5% mỗi năm.
Tuy nhiên, khả năng duy trì sự bền vững trong ngành công nghiệp này trong dài hạn còn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nâng cao năng suất và leo lên cao hơn trong chuỗi giá trị hay không.
Dòng chảy của các nhà sản xuất điện tử FDI đổ vào một quốc gia có thể mang theo công nghệ và kỹ năng lao động. Nhưng quốc gia đó cần phát triển nguồn lực của chính mình để duy trì xu hướng đó.
Nếu không làm được điều này, một khi chi phí nhân công tăng, ngành điện tử sẽ tiếp tục “cuộc di cư” sang các quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn. Việt Nam sẽ để mất thị phần vào tay Indonesia, Campuchia, Lào hay Myanmar – những quốc gia đang có lợi thế so sánh hấp dẫn về nhân công đối với các nhà sản xuất quốc tế.
Trong một diễn biến khác, mới đây, theo thông báo của lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lương tối thiểu của Việt Nam sẽ tăng trên 10% từ năm 2016.
(Theo Trí Thức Trẻ)