Ngày 27/11, TS Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) trực thuộc Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam đã được các nhà khoa học về vắc xin từ Đại học Bristol (Anh) chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất vắc xin hiện đại nhất thế giới.

Hai loại vắc xin được chuyển giao công nghệ mới để nghiên cứu và sản xuất là vắc xin dại và cúm.

Theo ông Đạt, nhu cầu sử dụng vắc xin dại ở Việt Nam rất lớn. Trước đây, Việt Nam đã sản xuất vắc xin dại từ chuột, song đã ngừng do có những phản ứng mất an toàn. Hiện, 100% lượng vắc xin dại đều phải nhập khẩu từ Pháp, Ấn Độ với giá thành đắt đỏ từ 300.000 đến 400.000 đồng một liều.

"Nếu Việt Nam chủ động trong việc sản xuất vắcxin dại bằng công nghệ cao, người dân sẽ được sử dụng vắc xin chất lượng tốt với giá thành rẻ bằng một nửa hiện tại. Với công nghệ mới, thời gian nghiên cứu, sản xuất vắc xin được rút ngắn còn khoảng 3 năm thay vì 5-10 năm như trước đây", ông Đạt nói.

Công nghệ sản xuất vắc xin dại và cúm được chuyển giao cho phép tổng hợp gen để tạo ra thành phẩm vắc xin trong thời gian rất ngắn. Trong khi đó, đối với những loại vắc xin truyền thống, việc sản xuất phải dựa trên quá trình phân lập chủng virus, sau đó nuôi cấy trong thời gian dài.

Giáo sư Imre Berger - Đại học Bristol, khẳng định, hiện công nghệ trên đang được hơn 1.000 phòng thí nghiệm và hầu hết các hãng vắc xin lớn ứng dụng.

Việt Nam hiện là 1 trong 42 quốc gia sản xuất được vắc-xin phòng bệnh trên người và có thể tự túc được hầu hết vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Vabiotech là nhà sản xuất vắc xin hàng đầu tại Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế, Công ty đang sản xuất và kinh doanh 4 sản phẩm vắc-xin chính gồm vắc-xin viêm gan A, viêm gan B, viêm não Nhật Bản và vắc-xin tả (dạng uống). Các vắc xin của Vabiotech được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và xuất khẩu.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng bệnh. Hiện Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắc xin phòng bệnh lao, sởi, Rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-Rubella..., trong đó 8 vắc xin được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Hiện Việt Nam là một trong 42 nước có thể tự sản xuất vắc xin phòng bệnh, đồng thời là một trong 39 quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là Cơ quan quản lý vắc xin đạt chuẩn quốc tế.

Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất vắc xin phối hợp 5 trong 1 và 6 trong 1.

Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất được 12 loại vắc xin và đến năm 2030 sẽ sản xuất được 14 loại để sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và phục vụ xuất khẩu.

{keywords}
Do chưa sản xuất được vắc xin dại, Việt Nam đang phải nhập khẩu vắc xin của Pháp, Ấn Độ với giá thành khá cao. Vắc xin Verorab là vắc xin của Pháp

T.Thư