Đối thoại Biển năm nay cũng đề cập một chủ đề, đó là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ được thực thi như thế nào với những quốc gia ven biển, quốc gia không có biển, và cả những quốc gia không là thành viên của Công ước.

Đối thoại Biển lần thứ 8 với chủ đề "Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á"

Bên lề Đối thoại Biển lần thứ 8 với chủ đề "Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á", trả lời câu hỏi của báo chí: Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm của một quốc gia ven biển như thế nào trong việc thực thi UNCLOS? PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Quyền Viện trưởng Viện Biển Đông nhấn mạnh:

Mặc dù Việt Nam không có điều kiện may mắn như các quốc gia khác tham gia vào những giai đoạn đầu của Hội nghị Luật Biển lần 1, lần 2. Tuy nhiên, ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, ngay từ năm 1977, Việt Nam đã tích cực tham gia vào Hội nghị Luật Biển lần 3.

Bà Lan Anh cho biết thêm, trong quá trình tham gia Hội nghị Luật Biển, Việt Nam đã tích cực bày tỏ quan điểm của một quốc gia đang phát triển, một quốc gia ven biển, để đóng góp vào việc hình thành nên các quyền và nghĩa vụ quốc gia ven biển trong trật tự pháp lý về biển hiện nay.

Cụ thể, vào năm 1977, Việt Nam đã ra Tuyên bố về các vùng biển của Việt Nam, từ nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Sau này, khi UNCLOS được ký kết, tuyên bố của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các quy định của UNCLOS. Năm 1982, chúng ta đã ra Tuyên bố về đường cơ sở thẳng. Năm 1994, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn để Việt Nam trở thành một trong những thành viên của UNCLOS năm 1982. Đến năm 2012, Việt Nam đã chính thức ban hành Luật Biển Việt Nam.

Trải qua những mốc thời gian như vậy, Việt Nam luôn thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm thực thi nghiêm chỉnh tất cả những quyền và nghĩa vụ của một quốc gia ven biển, phù hợp với quy định của UNCLOS, cũng như quy định của pháp luật quốc tế.

Trong bối cảnh địa chính trị xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất ổn, giải pháp cần được các bên tính tới để ngăn chặn những tranh chấp, đụng độ và xung đột trên biển, theo bà Lan Anh, điều quan trọng nhất mà các bên cần hướng tới để giải quyết các khác biệt, tranh chấp chính là tuân thủ nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp.

Như cựu Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế Rüdiger Wolfrum đề cập trong bài phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Biển năm nay, UNCLOS đã có cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình, giúp các bên có thể giải quyết những bất đồng trong việc thực thi và giải thích luật biển. Đó chính là cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất để giúp các bên tiếp tục hóa giải những bất đồng.

Cơ sở thứ hai là thúc đẩy hợp tác. Chỉ có thông qua hợp tác, xây dựng lòng tin, mới giải tỏa được những thách thức ở hiện tại cũng như trong tương lai, mới tạo ra được một môi trường hòa bình, ổn định để giúp các bên khắc phục những bất đồng.

Quyết Thắng, Huyền Sâm, Bảo Phùng