Theo thống kê chưa đầy đủ, đến tháng 11/2023, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 86 cuộc tập trận trên Biển Đông, tiếp tục tăng về tần suất so với các năm trước (96 cuộc năm 2022 và 58 cuộc năm 2021).

W-songbien.png
Sóng ở Biển Đông

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng duy trì tập trận trên không tại Biển Đông, công khai ít nhất 7 cuộc trong 6 tháng đầu năm 2023 (nhiều hơn 1 cuộc so với cùng kỳ 2022) với các hoạt động như huấn luyện bay ngày đêm, thực chiến, trinh sát và đối kháng trên không.

Về phía Mỹ, số hoạt động tự do hàng hải (FONOP) công khai là 5 cuộc, bằng với năm 2021 và 2022 nhưng ít hơn 2020 (10 cuộc). Tuy nhiên, năng lực răn đe của Mỹ được cho là không suy giảm nhiều

ASEAN và các nước tầm trung khác cũng thúc đẩy những hoạt động tương tự tại Biển Đông hoặc trong vùng biển lân cận Biển Đông: ASEAN lần đầu tập trận với Ấn Độ và tập trận riêng giữa các nước thành viên tại Biển Đông,...

Trước thực tế đó, theo đánh giá của Đỗ Hoàng (Viện Biển Đông), năm 2023, Biển Đông đã chứng kiến nhiều diễn biến mới trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thực địa (liên quan đến các lực lượng quân sự và phi quân sự), chính trị - ngoại giao (bao gồm các tuyên bố, chính sách và tập hợp nhóm), pháp lý cũng như thông tin – tuyên truyền.

Ngay từ đầu năm 2024, Biển lại tiếp tục rắc rối với việc Trung Quốc giăng một hàng rào nổi ở khu vực bãi cạn Scarborough, khiến Manila và Bắc Kinh gia tăng căng thẳng.

Bên cạnh Philippines và Trung Quốc, Việt Nam cũng tích cực lên tiếng về các sự kiện tại Biển Đông.

Ngày 28/3/2024 trả lời phóng viên tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng cho biết: Việt Nam rất quan ngại về những căng thẳng gần đây ở Biển Đông. “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Mọi yêu sách và hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm túc thực hiện DOC cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

Về pháp lý, sự thực thi luật pháp quốc tế tại Biển Đông tiếp tục có nhiều hạn chế, Trung Quốc tiếp tục áp dụng và ban hành các nội luật của mình về Biển Đông dù vi phạm luật pháp quốc tế.

Các hành động xâm lấn, hiện diện trái phép cùng các hành động khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông là vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia khác trong khu vực, được quy định tại Công ước UNCLOS 1982 mà Trung Quốc đã tham gia ký kết. Trung Quốc cũng đã vi phạm Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của ASEAN, trong đó kêu gọi “tôn trọng lẫn nhau đối với độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia”.

Trung Quốc cũng đã vi phạm cam kết được ghi trong TAC để giải quyết và quản lý các tranh chấp quốc tế một cách hòa bình. Bắc Kinh chính là lý do chính kiến việc thực thi pháp luật lại Biển Đông gặp nhiều khó khăn, từ đó, khó có thể là cơ sở để giải quyết các bất đồng giữa các quốc gia trong khu vực.

Trong cuộc điện đàm mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh David Cameron và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cùng khẳng định ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do an ninh hàng hải, hàng không, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Nhóm PV