Theo Time and Date, Tiểu Hùng - Ursid là trận mưa sao băng cuối cùng trong năm nay. Cực đỉnh sự kiện sẽ rơi vào đêm 22, rạng sáng 23/12 nhưng từ đêm nay, người yêu thiên văn có cơ hội bắt gặp sao băng trên bầu trời do Ursid đã diễn ra từ ngày 17/12.
Tên Ursid xuất phát từ chòm Ursa Minor, tức Tiểu Hùng tinh. Vị trí của chòm sao này trên bầu trời cũng là nơi diễn ra mưa sao băng Ursid. Tuy nhiên, mưa sao băng Ursid lại có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi sao chổi 8P/Tuttle, được phát hiện năm 1790.
Đây là trận mưa sao băng nhỏ, với tần suất chỉ khoảng 5-10 sao, có thể lên đến 25 sao/giờ tại cực đỉnh. Do xảy ra sau trận mưa sao băng lớn Geminids và ngay trước dịp giáng sinh, Ursid thường không được chú ý.
Chòm sao Ursa Minor nằm ở Bắc bán cầu. Ảnh: Astronomy. |
Để quan sát, người xem phải xác định được vị trí chòm sao Tiểu Hùng trên bầu trời. Thời gian thuận lợi nhất để chiêm ngưỡng là sau nửa đêm, ở các khu vực tối, thoáng đãng.
Mưa sao băng Ursid không phải là sự kiện thiên văn duy nhất trong dịp Đông chí này. Theo NASA, ngày 21/12 là thời điểm hiếm hoi Trái Đất, Mộc tinh và Thổ tinh thẳng hàng. Sự kiện này còn gọi là Đại trùng tụ.
Tại vị trí thẳng hàng, Mộc tinh và Thổ tinh sẽ ở rất gần Trái Đất, trông như ngôi sao duy nhất tỏa sáng bên cạnh Mặt Trăng. Các nhà khoa học gọi sự kết hợp giữa hai hành tinh là “ngôi sao giáng sinh”.
“Những lần giao nhau giữa hai hành tinh này khá hiếm, xảy ra 20 năm một lần. Lần trùng tụ này đặc biệt hiếm gặp vì khoảng cách giữa chúng rất gần nhau”, Patrick Hartigan, Giáo sư vật lý và thiên văn học Đại học Rice, Mỹ giải thích.
Hướng quan sát sao băng Tiểu Hùng - Ursid khi nhìn từ TP.HCM. Ảnh: Time and date. |
Theo Astronomy, lần gần đây nhất khi hai thiên thể này tiến lại gần nhau đến thế là vào thời Trung Cổ, khoảng 800 năm trước.
Trong khi đó, lần gần nhất xảy ra đại trùng tụ là vào năm 1623, khoảng 400 năm trước. Phải 60 năm sau, đại trùng tụ mới xuất hiện lần nữa. Xa hơn là vào năm 2400.
Sự kiện này cũng có thể quan sát bằng mắt thường bởi hai hành tinh khí khổng lồ này sẽ tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời đêm. Nếu dùng kính thiên văn, có thể thấy rõ hai thiên thể với 4 mặt trăng lớn của Mộc tinh, 2 mặt trăng lớn của Thổ tinh.
Theo Zing
Một hành tinh bị văng khỏi Hệ Mặt Trời
Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Carnegie cho biết một hành tinh băng khổng lồ nằm giữa Thổ tinh và Thiên Vương tinh đã văng ra khỏi Hệ Mặt Trời.