Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao.

Phát biểu tại Đại hội Hiệp Hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2023-2028 Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chúc mừng Đại hội thành công và mong muốn Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo hoạt động hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

Nhận định ngành hàng lúa gạo là vòng tròn mối quan hệ giữa nông dân-doanh nghiệp-chính quyền..., theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được thành lập nhằm tạo tính bền vững, chặt chẽ hơn cho cấu trúc, mắc xích ngành hàng lúa gạo.

W-luachatluong-1.png
Ảnh minh hoạ

Vì thế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị mỗi thành viên Hiệp hội nên phát huy thế mạnh từng người để cùng nhau kết nối, cùng đi, cùng thay đổi, làm cho hạt gạo Việt ngày càng tốt hơn, khẳng định trên thương trường quốc tế.

Bởi, khách hàng không chỉ quan tâm đến chất lượng gạo ngon mà còn quan tâm cách tạo ra sản phẩm (giảm phát thải, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nông dân...). Vì thế, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cần góp phần tư duy lại toàn bộ cấu trúc ngành hàng lúa gạo: Việt Nam trồng lúa không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Mặc dù, hạt gạo chỉ nặng 0,029g nhưng đó là kết tinh toàn bộ hệ sinh thái của người Việt.

Trong bối cảnh mới hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, ngành lúa gạo Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả sản xuất và xuất khẩu. 

Việt Nam vẫn giữ vững vị trí là nước sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Thời gian vừa qua, thị trường gạo thế giới liên tục biến động, tác động mạnh đến sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của nước ta. Ngành đang tập trung nâng cao chất lượng lúa gạo, mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế. Mục tiêu lớn nhất của ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn là phát triển bền vững hướng tới tăng trưởng xanh.

Để có nguồn hàng chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai các giải pháp phát triển ngành hàng lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực theo hướng bền vững, tập trung các nội dung: khuyến khích nông dân nâng cao chất lượng gạo, tăng diện tích sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống chất lượng cao, lúa thơm đặc sản; quản lý chặt vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu; nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sinh vật gây hại.

Khuyến cáo nông dân tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống bằng cách áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất lúa tiên tiến, bền vững (IPM, 3G3T, 1P5G, SRP,...), quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và tương đương, canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất lúa hữu cơ,... kết hợp truy xuất nguồn gốc, thu hoạch đúng thời điểm...

Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được thành lập vào thời điểm này phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, thuận thiên; trong đó, có nhiệm vụ quan trọng là nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy xuất khẩu; huy động tổng hợp các nguồn lực và các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Hồng Anh