"Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Song hào kiệt thời nào cũng có!"- đó là phẩm chất quý báu đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

LTS: Tết đến, Xuân về! Một chút bồi hồi trong giây phút giao thoa của đất trời giữa cũ và mới giúp chúng ta có độ lùi nhìn lại những gì đã qua. Cảm xúc cũ - mới thăng hoa, từ quá khứ và thực tại ta hãy phóng tầm mắt về tương lai, gửi vào đó những khát vọng, ước mơ.

Đó là chủ đề của cuộc tọa đàm giữa Tuần Việt Nam và một số chuyên gia, học giả có uy tín về khát vọng của dân tộc Việt Nam trong những ngày xuân Quý Ngọ đang đến. Các chuyên gia, học giả Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy Fulbright, nhà nghiên cứu của Viện Raiawali về Châu Á; chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn; tiến sĩ sử học Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen; tiến sĩ Mộc Quế, chuyên gia tư vấn... sẽ cùng chia sẻ.

Phần 1: Việt Nam từng giàu có chưa?

Lịch sử dân tộc ta có nhiều thăng trầm, bi tráng. Điều đáng tự hào nhất là có những khúc quanh tưởng như đã bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới nhưng dân tộc ta vẫn thoát ra, vươn lên. Đúng như Nguyễn Trãi đã đúc kết trong Bình Ngô đại cáo: "Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Song hào kiệt thời nào cũng có". Đó là phẩm chất quý báu đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

Song, nhìn lại thì vẫn còn một mục tiêu vô cùng quan trọng mà chúng ta chưa chạm tay tới là "dân giàu, nước mạnh" để "sánh vai với các cường quốc năm châu" như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mục tiêu này hãy còn là khát vọng đau đáu trong tâm trí của cả dân tộc ta.

Dù có một số quan điểm khác nhau song tựu chung, mục tiêu cao cả tối thượng trên đang là trọng trách rất lớn cho chúng ta mà các chuyên gia, học giả khách mời của Tuần Việt Nam sẽ đưa ra những góc nhìn gợi mở.

{keywords}
Cánh đồng muối đẹp như tranh vẽ của quê hương Việt Nam. Ảnh nhiepanhvietnam

Việt Nam chưa bao giờ là nước giàu

Thưa ông Nguyễn Xuân Thành, được biết ông đang có công trình nghiên cứu lịch sử kinh tế thế giới khá thú vị. Xin ông hé mở một chút về vị thế, vai trò nước Việt ta trong bản đồ kinh tế thế giới từ xưa đến nay?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Việt Nam chúng ta có lịch sử ngàn năm. Có những lúc phát triển rất huy hoàng, rực rỡ. Nhưng chưa bao giờ và chưa có giai đoạn nào Việt Nam được coi là nước giàu cả.

Trong mọi thời kỳ lịch sử, trên thế giới đều có một nhóm quốc gia giàu có. Rất tiếc Việt Nam ta chưa khi nào được đứng vào hàng ngũ đó. Có thời kỳ Việt Nam là nước nghèo, có thời kỳ là nước không nghèo.

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Thành

Thường thì tiêu chí xếp hạng các nước dựa vào đâu, thưa ông?

Tôi không dùng tiêu chí nước phát triển, đang phát triển hay kém phát triển mà là nước giàu, nước nghèo, nước không giàu và không nghèo. Việt Nam nằm trong phân khúc nước nghèo và nước không giàu và không nghèo tùy theo giai đoạn.

Trong khi đó Campuchia, Thái Lan đã có thời kỳ là nước giàu. Trung Quốc có nhiều thời kỳ là nước giàu có. Trên thế giới có nhiều nước đang từ giàu có trở thành nước nghèo. Ngược lại có nhiều nước từ nghèo trở nên giàu.

Hàn Quốc có nét tương đồng với Việt Nam. Từ nửa thế kỷ 20 trở về trước là nước nghèo và không giàu, không nghèo như Việt Nam. Nhưng từ thập niên 80 của thế kỷ 20 đến nay họ đã vươn lên thành nước giàu.

Tạm chia một giai đoạn lịch sử là 20 năm thì trong 100 giai đoạn qua, tức 2.000 năm qua, tức là khoảng 100 cơ hội trở thành quốc gia giàu có đã đi qua, Việt Nam ta chưa nắm bắt được cơ hội nào cả.

Nhiều dân tộc đã làm được nghiệp lớn, trở nên giàu nhờ nắm kịp thời nắm được cơ hội như vậy. Ví dụ như Nhật Bản, từ một nước nghèo, lạc hậu như Việt Nam, thậm chí còn thua ta nhưng cuộc canh tân thời Minh Trị thiên hoàng đã đưa họ thành đất nước giàu có.

{keywords}
Ông Huỳnh Bửu Sơn

Xin hỏi chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn có bình luận gì về câu chuyện nước Việt giàu - nghèo?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Chưa có số liệu và tiêu chí cụ thể nên tôi chưa thể kết luận về độ giàu nghèo. Nhưng tôi cho rằng chưa hẳn dân tộc ta luôn nghèo. Ví dụ ngày xưa thời săn bắt hái lượm, một người săn được vài ba con thú để khô cất trữ có khi cũng là giàu rồi.

Thời bắc thuộc thì dĩ nhiên dân tộc ta không thể giàu rồi vì bị bóc lột, vơ vét tàn bạo.

Sang thời kỳ giành được độc lập và tự chủ từ thời Đinh, tiền Lê, Lý, Trần thì phải có giai đoạn rất cường thịnh thì mới chống được ngoại xâm, mở mang được bờ cõi đất nước. Thời vua Lê Thánh Tông nước ta vô cùng cường thịnh, nhiều quốc gia đến bang giao và triều cống.

Từng có một cuộc tranh luận, đại ý, chỉ dấu cho thấy quốc gia đó trong quá khứ có hưng thịnh, giàu có hay không thể hiện một phần ở các công trình kiến trúc để lại. Chẳng hạn, nhìn sang các quốc gia lân cận chúng ta, nào Vạn Lý Trường Thành, rồi quần thể Angkor...  còn Việt Nam rất ít công trình để lại? Tất nhiên, sẽ có nhiều  lý do giải thích cho điều này, nhưng phải chăng đây cũng là một chỉ dấu cho thấy hoàn cảnh khó khăn của đất nước trong quá khứ?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Những công trình vĩ đại ra đời từ thời cổ xưa phản ánh một thực tế rằng, các vị vua đó có thể độc tài, chuyên chế nhưng phải có tiền thì mới xây dựng được như vậy. Có thể nguồn tiền đó là do tích lũy hoặc đi cướp của dân tộc khác, nhưng nếu không có thì làm sao xây dựng được. Ít nhất là phải nuôi cơm cho lực lượng lao động khổng lồ và mua nhiều thứ khác nữa chứ!

Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn: Đã có một quyển sách viết và lý giải điều này. Theo đó, hầu hết các vị vua chúa của Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo, có chính sách khoan hòa, bao dung, sống giản dị, gần gũi với nhân dân, ít bắt dân phục dịch khổ sai chứ không phải là do đất nước nghèo.

Tần Thủy Hoàng huy động dân, bắt làm cung A Phòng, Vạn Lý Trường thành hay các Pharaon ở Ai cập xây Kim tự tháp bằng nguồn nô lệ v.v... không phải là các công trình do sự giàu có mà là do quyền lực. Người dân đi phu, người nô lệ phải làm cho đến chết chứ đâu được trả lương bổng hay tiền bạc gì.

Tôi thấy lập luận này có phần đúng!

(Còn nữa)

Duy Chiến (Thực hiện)