Nhận xét trên được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mohd Fadzil Hassan - nhà khoa học có hơn 100 công trình nghiên cứu quốc tế tới từ Đại học Công nghệ Petronas (UTP) đưa ra tại sự kiện nghiên cứu khoa học - FPT Edu Research Festival - chủ đề Vạn vật kết nối (Internet of things - IoT) mới đây.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mohd Fadzil Hassan - nhà khoa học có hơn 100 công trình nghiên cứu quốc tế, tới từ Đại học Công nghệ Petronas (Malaysia) trình bày 2 đề tài về việc ứng dụng IoT làm giảm độ trễ của các thiết bị trong chăm sóc sức khỏe và Thực tại & xu hướng tương lai của IoT. |
IoT sẽ giúp cho GDP toàn cầu tăng thêm 10.000 – 15.000 tỷ USD
Được tổ chức tại trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ, sự kiện quy tụ diễn giả và sinh viên từ 5 quốc gia, cùng 200 người tham dự trong nước và quốc tế có chung mối quan tâm về IoT. Đây là chuỗi hoạt động gồm: Hội thảo Trường học Mùa hè (Summer School), Triển lãm sản phẩm IoT và Chung kết cuộc thi IoT (IoT Showcase Contest).
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT tuyên bố khai mạc FPT Edu Research Festival 2019 – chương trình chuyên sâu về IoT lớn nhất của FPT Edu |
Trong đó, tại hội thảo Trường học mùa hè, các bài trình bày chuyên sâu của các giáo sư và chuyên gia hàng đầu về IoT đã thu hút các chuyên gia trong ngành, những sinh viên đang học và những người làm việc trong lĩnh vực liên quan đến IoT đến trực tiếp lắng nghe. Đây cũng là cơ hội giúp cộng đồng IoT được trao đổi những thông tin giá trị với các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và quốc tế.
Hơn 200 người tham dự quan tâm đến chủ đề IoT đã tới tham gia các hoạt động của FPT Edu Research Festival 2019 diễn ra tại Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ |
Nhiều kiến thức chuyên ngành hấp dẫn đã được các diễn giả chia sẻ tại hội thảo. Tiêu biểu như Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mohd Fadzil Hassan với mô hình điện toán sương mù, một mô hình mới để phân tích và hoạt động trên nền dữ liệu IoT, khắc phục được nhược điểm của điện toán đám mây như độ trễ mạng và dịch vụ còn cao, phải truyền tải dữ liệu lớn… Theo ông, điện toán sương mù được ứng dụng và đem lại hiệu quả rất tốt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Trong bài trình bày về chủ đề “IoT - Thực tại & xu hướng tương lai”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mohd Fadzil Hassan cho biết, theo dự đoán đến năm 2020, có tới 250.000 phương tiện giao thông được kết nối với Internet. Và IoT cũng sẽ giúp cho GDP toàn cầu tăng thêm 10 - 15 nghìn tỷ USD trong vòng 20 năm.
Giáo sư – Tiến sỹ Hsiang-Chen Wang, nhà khoa học có 12 bằng sáng chế tại Mỹ, tới từ Đại học quốc gia Chung Cheng (CCU - Đài Loan) đã tham gia hội thảo với bài trình bày về “Nhận dạng vật liệu hai chiều và ứng dụng trong xử lý ảnh y tế bằng trí tuệ nhân tạo”.
Còn chuyên gia trong lĩnh vực IoT Nguyễn Đình Mạnh Linh đã chia sẻ những kinh nghiệm trong bài thuyết trình với chủ đề rất thiết thực dành cho các bạn sinh viên "Tự học AI và IoT trong thời kỳ 4.0 cho các bạn trẻ".
13 sản phẩm IoT “Made by sinh viên” có tính ứng dụng cao
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ sự kiện, vòng chung kết cuộc thi IoT đã được diễn ra đầy gay cấn với 13 đội thi sinh viên đến từ 3 quốc gia: Việt Nam, Ấn Độ và Maylaysia. Các nhóm được trưng bày triển lãm sản phẩm, thuyết trình về sản phẩm và chạy thử sản phẩm do nhóm nghiên cứu và phát triển dưới sự hướng dẫn của giảng viên.
Được biết, tất cả các sản phẩm lọt vào vòng chung kết của cuộc thi đều là những sản phẩm IoT xuất sắc do sinh viên thực hiện và vượt qua quá trình thử thách 2 tháng của cuộc thi với các vòng thi trước đó bao gồm thẩm định đề án, nộp sản phẩm demo, thi đấu sơ loại.
Đặc biệt, dù IoT được đánh giá là một lĩnh vực khó, đòi hỏi hiểu biết sâu và nhiều kinh nghiệm thực tế để có thể triển khai được sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng 13 sản phẩm của vòng chung kết cuộc thi đều gây ấn tượng với hội đồng giám khảo khi được triển khai bởi chính những học sinh sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường.
Đội sinh viên đến từ Trường Đại học FPT đã gây ấn tượng với Hội đồng Giám khảo nhờ sản phẩm Smarthome control unit using Vietnamese Speech Command – Hệ thống điều khiển nhà thông minh bằng tiếng Việt. |
Sử dụng IoT để xây dựng hệ thống điều khiển nhà thông minh, các sinh viên đến từ Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic thể hiện được hiểu biết của mình trong việc làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh |
Các sản phẩm lọt vào vòng chung kết Iot Showcase Contest được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo và mức độ ứng dụng trong thực tế. Chẳng hạn sản phẩm Trợ lý Tại gia (Home Assisstant) của nhóm học sinh THPT FPT Đà Nẵng, tích hợp các chức năng thông minh như nhận biết và thực hiện các thao tác theo yêu cầu giọng nói, cảm biến và đưa ra thông báo về nhiệt độ, độ ẩm, tình hình an ninh của tòa nhà… Đề tài Thùng rác thông minh – Magic Bin – cũng gây được nhiều hứng thú khi đưa ra một giải pháp cho bài toán phân loại rác thải, ứng dụng công nghệ học máy để phát hiện và ghi nhận các loại rác mới.
Đặc biệt, sản phẩm điều khiển nhà thông minh bằng Tiếng Việt của nhóm sinh viên ĐH FPT được Hội đồng giám khảo đánh giá cao nhất. Cả nhóm đã tự thu thập dữ liệu giọng nói và sử dụng công nghệ học sâu (Deep learning) để tạo ra một mẫu (model) nhận diện giọng nói với 15 câu lệnh chuẩn với độ chính xác 98%. Nhờ độ hoàn thiện và vận hành tốt của sản phẩm, nhóm đã giành chức Vô địch cuộc thi.
Cuộc thi có sự tham dự của các đội thi quốc tế đến từ Ấn Độ và Malaysia. |
Mỗi sản phẩm của các đội sinh viên đều thể hiện năng lực nghiên cứu và tự học để áp dụng các công nghệ mới và khó vào thực tế triển khai. Đây đều là những tố chất cần thiết với các chuyên gia công nghệ ứng dụng và những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Hội đồng giám khảo của cuộc thi tập hợp các Giáo sư tới từ Đại học quốc gia Chung Cheng – ngôi trường uy tín của Đài Loan, và các giáo sư, chuyên gia Việt Nam giúp cuộc thi tiệm cận với tiêu chuẩn của một cuộc thi công nghệ quy mô quốc tế. Ngoài sinh viên Việt Nam, cuộc thi còn có sự tham dự của hơn 30 sinh viên đến từ Myanmar với mong muốn được lắng nghe các chuyên đề chia sẻ về IoT cũng như giao lưu và học hỏi kinh nghiệm từ các đội thi.