Nhà văn mặc áo lính phải có nghĩa vụ viết về chính cuộc đời mình - đó là những trăn trở của nhà văn Phạm Ngọc Tiến.
Trong khuôn khổ Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế lần thứ 6 tại Công viên Thống nhất (Hà Nội), NXB Văn học phối hợp với khoa Văn học - ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: "Người lính viết về chiến tranh - Nói về văn học chiến tranh". Nhân dịp này, NXB cũng cho tái bản 2 cuốn sách "Tàn đen đốm đỏ" của nhà văn Phạm Ngọc Tiến và "Quảng Trị 1972" của Nguyễn Quang Vinh.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - một người lính đã từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 cho rằng: "Các thế hệ nhà văn của chúng ta chưa bao giờ ngừng viết về đề tài này và chắc chắn, còn nhiều tác phẩm văn học nữa về chiến tranh sẽ được ra đời trong thời gian tới".
Buổi toạ đàm thu hút được sự quan tâm của rất nhiều độc giả |
Là tác giả duy nhất có mặt trong buổi giao lưu, nhà văn Phạm Ngọc Tiến chia sẻ rất chân thành: "Tôi rất thích đọc văn học chiến tranh. Tôi đặc biệt thần tượng Erich Maria Remarque, đặc biệt với hai cuốn "Phía Tây không có gì lạ" và "Đường về" của ông. Tôi cũng đọc cuốn "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh trong trạng thái bàng hoàng. Cũng là lính mà tôi không thể tưởng tượng được cuộc chiến tranh nó lại thảm khốc đến vậy.
Đó cũng là lí do hôm nay tại sao tôi ngồi ở cuộc giao lưu này, vì tôi đã gặp lại chính sự thảm khốc ấy trong "Quảng Trị 1972" của anh Nguyễn Quang Vinh. Văn học trực diện về chiến tranh nó tạo ấn tượng khủng khiếp, gieo vào nỗi ám ảnh trong lòng người đọc. Một nhà văn đã từng khoác áo lính phải có nghĩa vụ và sự thôi thúc phải viết về chính cuộc đời của anh đã. Đó là lí do tôi viết "Tàn đen đốm đỏ".
Phạm Ngọc Tiến chia sẻ rằng viết về chiến tranh không bao giờ là công việc dễ dàng. Ngay cả khi bắt đầu viết "Tàn đen đốm đỏ", ông cũng khá loay hoay để tìm cách viết khác đi.
"Tàn đen đốm đỏ" kể về câu chuyện của chính bản thân tác giả, bạn bè thế hệ ông, những hồi ức về chiến tranh, những người lính đi tìm lại đồng đội. Qua tiểu thuyết của mình, Phạm Ngọc Tiến muốn chia sẻ với bạn đọc một vấn đề tồn tại nhức nhối, hậu quả của cuộc chiến tranh đẫm máu không thể khắc phục.
Với "Quảng Trị 1972 – Hồi ức của một người lính", bộ mặt thật của chiến tranh được phơi bày một cách trần trụi. Cả vinh quang lẫn nước mắt, cả dũng cảm và hèn nhát. Trong hoàn cảnh cụ thể của mình, tác giả đã có những trang viết xúc động, đầy tự hào về tuổi trẻ Hà Nội trong những ngày kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có chính ông.
Nguyễn Quang Vinh tâm sự ông khắc họa lại những ngày tháng ở Quảng Trị không vì mục đính văn chương mà như một nén hương lòng tưởng niệm và tri ân những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc.
Theo nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, văn học gần đây có khuynh hướng thiên về ký sự, mô tả sự thật như nó vốn có. "Sự thật cuộc chiến đấu Quảng Trị năm 1972 hào hùng và tiêu biểu đến nỗi, không cần tới hư cấu và bởi không cần đến hư cấu nên lay động sâu xa tới người đọc. Cuốn "Quảng Trị 1972" của Nguyễn Quang Vinh hấp dẫn từ đầu chí cuối, không chỉ có giá trị lịch sử mà còn góp phần khẳng định khuynh hướng mới có nhiều triển vọng trong đời sống văn học hiện nay", nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại chia sẻ.
T.Lê