Gần đây, những người sử dụng ví Metamask (ví chứa tiền mã hoá) rất bất ngờ khi trong phương thức thanh toán tiền mã hoá, bên cạnh Apple Pay, Debit or Credit, xuất hiện thêm phương thức thanh toán Viettel-Pay đi kèm là logo Viettel Money. Phương thức thanh toán này xuất hiện cả trên ví lẫn website khi người dùng thực hiện mua tiền mã hoá.

tienmahoa.jpg
Phương thức thanh toán Viettel-Pay trên ví Metamask. Ảnh chụp màn hình.

Khi người dùng chọn phương thức thanh toán Viettel-Pay để mua tiền mã hoá, số lượng giao dịch sẽ bị giới hạn ở mức 500.000 đồng. Khi bấm chọn mua, ví Metamask sẽ dẫn đến một nền tảng thanh toán khác có tên Onramp.money và tiến hành giao dịch.

Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho biết, Viettel Money không hợp tác với bất kỳ sàn, đối tác nào để mua tiền mã hoá. Metamask cũng không phải là đối tác của Viettel Money, họ đang sử dụng phương thức chuyển tiền giữa các cá nhân để thực hiện các giao dịch mua hàng online, người bán để lại số tài khoản để người mua chuyển tiền trực tiếp.

Khi người dùng nhấn mua tiền mã hoá trên ví Metamask này, mặc dù hiển thị logo Viettel-Pay, nhưng khi tiến hành các bước tiếp theo lại dẫn qua nền tảng Onramp.money để thực hiện chuyển khoản tới các đối tác ngân hàng tại Việt Nam. Viettel Money khẳng định, Onramp.money cũng không phải là đối tác của mình và dù lựa chọn thanh toán qua Viettel-Pay nhưng ví chứa tiền mã hoá này sẽ dẫn người dùng thanh toán qua nền tảng khác. 

“Hiện Metamask đang sử dụng logo của Viettel Money để dẫn người dùng về trang đích thanh toán khác, chúng tôi sẽ làm việc với nền tảng này để họ gỡ bỏ logo ra khỏi ứng dụng, cũng như website của họ để tránh hiểu nhầm”, đại diện Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho biết.

Phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hoáCó 2 thách thức chính mà hoạt động phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hoá phải đối mặt đó là tính ẩn danh, sự phức tạp của các giao dịch tiền mã hoá và vấn đề thiếu quy định đồng bộ toàn cầu.