- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng những vi phạm của Vinastas là bài học kinh nghiệm trong quản lý cũng như trong tổ chức hoạt động của hội.

Sáng 14/12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị tổng kết công tác hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện năm 2016.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết hội nghị lần này nhằm đánh giá lại việc tổ chức và hoạt động của các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện năm 2016, lắng nghe các ý kiến của các hội về khó khăn cần được tháo gỡ, cũng như trách nhiệm của Bộ Nội vụ, các bộ ban ngành TƯ và chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện cho các tổ chức hội hoạt động. 

Đây cũng là một trong các hoạt động giúp tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật về Hội để trình QH xem xét thông qua trong thời gian tới.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Trần Thường

Trong lúc chờ ban hành luật, Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 45 để bước đầu thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác hội, qua đó đáp ứng yêu cầu về đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả của các tổ chức hội.

Theo đó, các hội do Đảng, Nhà nước có nhu cầu và chỉ đạo thành lập thì vẫn tiếp tục được hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đối với các hội hoạt động trong phạm vi của địa phương, trước đây đã được giao biên chế và được cấp kinh phí thì để ổn định và từng bước khoán kinh phí theo lộ trình. 

Các hội còn lại tự trang trải kinh phí và sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí theo các nhiệm vụ Nhà nước giao.

“Những điểm này thể hiện tư duy đổi mới về việc quản lý các tổ chức hội trong tình hình hiện nay. Trong đó chú trọng việc cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền về lập hội đã được Hiến pháp quy định. Đồng thời vượt qua tư duy, thói quen cũ về quản lý hội, ví dụ xóa bỏ bao cấp đối với hội, 'hành chính hóa' hoạt động của các hội”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Nhắc lại vụ Vinastas, Thứ trưởng Tuấn cho hay, dự thảo nghị định mới có quy định thêm cả nội dung liên quan đến vấn đề tạm đình chỉ hoạt động, giải tán, thu hồi con dấu khi hội hoạt động vi phạm các quy định của pháp luật hoặc điều lệ hội.

Về hoạt động kiểm tra, thanh tra, Thứ trưởng nêu thực trạng hiện nay cứ cấp phép thành lập hội, quỹ xong, công nhận điều lệ sau khi các tổ chức hội đại hội xong là không biết hội, quỹ hoạt động thế nào, có đúng pháp luật và điều lệ không. “Đấy là thiếu sót, khiếm khuyết trong quản lý nhà nước về hội hiện nay”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cần nắm được hoạt động, biết được khó khăn, thuận lợi, thành quả, thành tích của hội. Thông qua đó, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn hoặc xử lý vi phạm. Muốn làm được điều đó, phải chấn chỉnh công tác báo cáo hoạt động của các hội cũng như tăng cường khâu thanh tra, kiểm tra.

“Sắp tới, căn cứ vào kết luận của Bộ Công thương về các sai phạm của Vinastas, Bộ Nội vụ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về hội sẽ có hành động theo đúng chức năng của mình, để xử lý các sai phạm hoặc yêu cầu ban lãnh đạo Hội xử lý các cá nhân có sai phạm. Đây là bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của các hội”, ông Tuấn nói.

Nhiều hội còn ỷ lại Nhà nước

Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ Hà Thị Dung cho biết, số hội có phạm vi hoạt động cả nước tăng nhanh. Tính đến tháng 6/2016, cả nước có hơn 68.100 hội, trong đó có 498 hội hoạt động phạm vi cả nước, còn lại hoạt động phạm vi địa phương. Ngoài ra còn có khoảng 2.000 quỹ hoạt động tại các tỉnh thành.

Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện cho hội tham gia hoạt động xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực…

Bên cạnh đó vẫn còn một số bất cập như thủ tục thành lập hội còn mất nhiều thời gian, còn thiếu quy định về chế tài xử lý khi các hội vi phạm; chưa có quy định cụ thể về xử lý vi phạm pháp luật những vấn đề mới phát sinh. Vì vậy các cơ quan nhà nước chưa có đủ căn cứ pháp lý để xử lý.

Vẫn còn một số hội chưa thực hiện đúng nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước; có xu hướng hành chính hóa…

Một số hội hoạt động còn hình thức, chưa đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của hội viên, chưa phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo. Có hội mâu thuẫn trong nội bộ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Thu Hằng