Hôm nay, ngày 29 tháng 11 năm 2013, tại Trung Tâm hội nghị Quốc gia, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), phối hợp cùng Báo VietnamNet, Tạp chí Thuế - Tổng cục Thuế chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2013 nhằm tôn vinh và ghi nhận những đóng góp đáng kể của 1000 doanh nghiệp có đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Bảng xếp
hạng V1000 được xây dựng dựa trên kết quả thu thập, điều tra, xử lý và kiểm
chứng dữ liệu độc lập của Ban tổ chức được tiến hành thường kỳ liên tục, luôn
đảm bảo nguyên tắc khách quan, độc lập và khoa học. Các thông tin phục vụ cho
việc xếp hạng doanh nghiệp được cung cấp bởi các cơ quan hữu quan có liên quan
và được đối chứng với nguồn dữ liệu phản hồi của các doanh nghiệp thông qua các
cuộc điều tra dữ liệu của Vietnam Report.
Đây là năm thứ tư BXH V1000 được chính thức công bố kể từ lần đầu tiên vào năm
2010, xét trong bối cảnh kinh tế và kinh doanh tại Việt Nam đang gặp khó khăn,
thì các doanh nghiệp V1000 không những đã chứng tỏ năng lực vượt bão của mình
khi tiếp tục kinh doanh có lãi, mà còn hoàn thành xuất sắc trách nhiệm với xã
hội thông qua việc đóng góp thuế TNDN đáng kể vào ngân sách quốc gia.
Tới dự buổi lễ công bố, ngoài các đại diện Ban tổ chức bao gồm: Ông Bùi Sĩ Hoa -
Tổng biên tập Báo VietNamNet, Ông Nguyễn Ngọc Tú- Tổng biên tập Tạp Chí Thuế và
Ông Vũ Đăng Vinh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Báo cáo và đánh giá Việt Nam
(Vietnam Report), còn có sự tham dự của ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ
thông tin và truyền thông, ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài
chính Quốc gia, ông Trần Văn Phu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục trưởng
Cục thuế của nhiều tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải
Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, Lâm Đồng,
Cà Mau…, các cơ quan truyền hình- truyền thông, các tổ chức và chuyên gia kinh
tế trong nước.
Buổi lễ công bố BXH V1000 năm nay đã diễn ra trong không khí hết sức trang trọng
và nhận được sự quan tâm từ cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam cũng như giới
truyền thông trong nước đủ để thấy rằng, những doanh nghiệp có tên trong BXH
V1000 năm 2013 hoàn toàn có quyền tự hào chính đáng về những đóng góp của mình
cho ngân sách quốc gia, như một cách đền đáp lại sự hỗ trợ và đồng hành của
Chính phủ dành cho các doanh nghiệp trong suốt thời gian vừa qua. Hi vọng rằng,
với những gì đã và đang làm được, các doanh nghiệp V1000 nói riêng và cộng đồng
doanh nghiệp Việt Nam nói chung sẽ ngày càng tự tin vững bước trên con đường
kinh doanh, để có mặt thêm lần nữa trong BXH V1000 trong các năm tới đây.
Ban tổ chức chương trình cũng xin chân thành cảm ơn Tổng Công ty Thăm Dò Khai
Thác Dầu Khí và Công ty P.T Vietmindo Energitama đã tham gia với tư cách là đơn
vị tài trợ Vàng và Tài trợ Bạc cho chương trình.
BẢNG XẾP HẠNG V1000 NĂM 2013 – NHỮNG CON SỐ GHI DẤU
DNNN vẫn giữ vững vai trò tiên phong trong việc nộp thuế TNDN
Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của BXH V1000 năm 2013 là khoảng 77 nghìn tỷ
đồng, tăng hơn 42% so với năm trước cho thấy, tình hình kinh doanh đã có những
khởi sắc đáng kể, đồng thời ý thức về nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp
cũng ít nhiều được cải thiện.
Song song với tiến trình tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty lớn, theo số
liệu thống kê từ BXH V1000 năm 2013 cho thấy, các DNNN vẫn đang thể hiện tốt vai
trò "tiên phong gương mẫu" của nền kinh tế trong việc đóng góp thuế TNDN vào
ngân sách quốc gia, chiếm tới 52,6% tổng số thuế của bảng xếp hạng V1000. Điều
đó chứng tỏ lợi nhuận kinh doanh của nhóm DNNN ở mức cao và hiệu quả hoạt động
của các bộ máy "cồng kềnh" đang được cải thiện rõ rệt, phần lớn nhờ vào việc tập
trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi và cắt giảm chi phí một cách hợp lý.
Hình 1: Cơ cấu số thuế theo loại hình DN của BXH V1000 năm 2013. Nguồn: Vietnam Report |
Bên cạnh đó, trong Top 100 doanh nghiệp thuộc BXH năm nay có tới 42% là DNNN,
đóng góp 64,5% tổng số thuế của Top 100 một lần nữa minh chứng cho những nỗ lực
thay đổi để vượt qua khó khăn và vươn tới thành công của các DNNN.
Phần lớn nguồn thu ngân sách vẫn phụ thuộc vào nhóm các doanh nghiệp đầu BXH
Theo thứ tự xếp hạng, số thuế mà Top 100 doanh nghiệp lớn nhất đã nộp chiếm tới
hơn 64,3% so với tổng số thuế của 1000 DN trong bảng. 10 doanh nghiệp dẫn đầu
BXH cũng chứng minh được sự vượt trội của mình khi đóng góp tới 32,6% số thuế
của toàn BXH năm nay.
Hình 2: Tỷ lệ số thuế TNDN của các DN thuộc Top 10, Top 100 của BXH. Nguồn: Vietnam Report |
DN nước ngoài đang ý thức ngày càng tốt hơn về nghĩa vụ nộp thuế
Khối doanh nghiệp nước ngoài đóng góp thuế thu nhập tới 24% tổng số thuế của BXH
V1000 năm nay. Tuy chưa phải là con số thực sự ấn tượng nhưng khi so với tỷ lệ
19,6% tương ứng của năm trước đó thì rõ ràng, năm 2012 đánh dấu một sự thay đổi
có phần tích cực của nhóm DN nước ngoài về ý thức đóng góp cho ngân sách quốc
gia.
Hình 3: Cơ cấu số thuế theo loại hình DN của BXH V1000 năm 2012 so với 2013. Nguồn: Vietnam Report |
Nếu xét riêng nhóm mới gia nhập bảng xếp hạng (khoảng 460 doanh nghiệp xuất hiện
mới trong BXH V1000 năm 2013), thì tỷ lệ số DN nước ngoài chiếm tới hơn 45%,
trong khi tỷ lệ tương ứng của nhóm DN tư nhân là 37,1% và DNNN là 17,5%.
Ngân hàng- tài chính và Viễn thông tiếp tục là hai ngành có đóng góp thuế TNDN
lớn nhất trong BXH V1000 năm 2013
Số liệu thống kê từ BXH V1000 năm 2013 cho thấy, ngành Ngân hàng- tài chính và
Viễn thông là hai ngành có đóng góp cho ngân sách quốc gia thông qua nguồn thuế
TNDN lớn nhất trong năm 2012, với số thuế chiếm tới 23,4% và 16,7% tổng số thuế
của BXH V1000. Vẫn là 2 cái tên dẫn đầu về ngành trong BXH năm trước, nhưng tỷ
lệ tương ứng của ngành Ngân hàng- tài chính và Viễn thông lần lượt là 20,9% và
19,9%, cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp Ngành viễn thông trong năm 2012
có phần nhỉnh hơn đôi chút.
Hình 4: Cơ cấu đóng góp của các nhóm ngành trong BXH V1000 năm 2013 (Đơn vị: %). Nguồn: Vietnam Report |
Khi đo lường khả năng sinh lời, ngành viễn thông và thực phẩm- đồ uống lại vượt
trội hơn cả. ROE trung bình ngành Viễn thông đạt gần 0,5 cho thấy các doanh
nghiệp ngành Viễn thông đang hoạt động tốt hơn khi thu về gần 5 đồng lời trên
mỗi 10 đồng vốn bỏ ra. Tiếp nối theo đó là ngành Thực phẩm- đồ uống (0,37) và
Dệt may- da giầy (0,28). Trong khi đó, ngành Ngân hàng- tài chính có chỉ số ROE
thấp hơn 0,1, cho thấy quy mô nguồn vốn của ngành Ngân hàng hiện vẫn đang rất
lớn, trong khi lợi nhuận hoạt động lại không cao, do vậy yêu cầu tái cơ cấu
nguồn vốn, giảm thiểu nợ xấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành này là vô
cùng cấp thiết.
Hình 5: 10 ngành có chỉ số ROE, ROA trung bình cao nhất trong BXH V1000 năm 2013. Nguồn: Vietnam Report |
Hơn 50% vốn của 53% số doanh nghiệp V1000 đến từ nguồn vốn vay
Khi phân tích hệ số nợ/ Tổng tài sản, có thể nhận thấy, do đặc thù “kinh doanh
trên đồng tiền” và thực trạng nợ xấu gia tăng trong năm 2012 khiến hệ số nợ/
Tổng tài sản của ngành Ngân hàng- tài chính ở mức rất cao, trung bình ngành trên
70%. Cùng nhóm có hệ số nợ/ Tổng tài sản cao còn có ngành Thép, Dệt may- da
giầy, Xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng, Khoáng sản, xăng dầu, Điện (từ
50% đến 65%). Các ngành có hệ số nợ/ Tổng tài sản dưới 50% bao gồm: Thủy sản,
Nông lâm nghiệp, Viễn thông, Hóa chất, Thực phẩm- đồ uống, Dược và thiết bị y
tế, Vận tải, bán lẻ, Cơ khí và Giấy- in ấn- xuất bản.
Hình 6: 10 ngành có hệ số Nợ/ Tổng tài sản trung bình lớn nhất trong BXH V1000 năm 2013. Nguồn: Vietnam Report |
Nếu xét trong toàn BXH V1000 năm 2013 thì có tới 53% số doanh nghiệp thuộc bảng
có hệ số nợ/ Tổng tài sản trên 50%, đồng nghĩa với việc phần lớn các doanh
nghiệp hiện nay vẫn phải dựa vào nguồn vốn vay để duy trì hoạt động, do đó mức
độ rủi ro tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam là khá cao.
Các DNNY trong BXH có phần yếu thế khi đặt trước bài toán “sinh lời”
Số lượng DNNY trong Bảng xếp hạng V1000 chiếm chưa tới 15%, với số thuế đóng góp
tính trên tổng số thuế của 1.000 doanh nghiệp V1000 chỉ ở mức khiêm tốn 22%, mà
phần đông vẫn là các DN thuộc ngành: tài chính, ngân hàng và khoáng sản, xăng
dầu. Cũng theo số liệu thu thập riêng đối với các doanh nghiệp niêm yết, chỉ số
ROA và lợi nhuận sau thuế/ Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này đều ở mức
thấp.
Hình 7: ROA và lợi nhuận sau thuế/ tổng tài sản của các DNNY trong BXH V1000 năm 2013 (Đơn vị: % số lượng DN). Nguồn: Vietnam Report |
Chỉ có 32,7% số DNNY thuộc bảng V1000 có chỉ số ROA cao hơn 0,1, tương đương với
mỗi 100 đồng tài sản sẽ tạo ra được 10 đồng lời, trong khi hơn 67,3% số doanh
nghiệp không đạt được kết quả này. Nếu xét về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trên
tổng tài sản, chỉ 1/3 số DNNY đạt mức 10%, số còn lại đều dưới 10%.
Xét về chỉ tiêu ROE, có thể thấy chưa đến 44,7% số DNNY đạt mức lợi nhuận ròng/
tổng tài sản trên 0,15, trong khi hơn 55,3% số DNNY có ROE nhỏ hơn hoặc bằng
0,15, đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng tương đương
hoặc cao hơn vốn cổ đông, thì lợi nhuận tạo ra cũng chỉ để trả phần lãi vay ngân
hàng (lãi suất 15%).
Hình 8: Chỉ số ROE của các DNNY trong BXH V1000 năm 2013 (Đơn vị: % số lượng DN). Nguồn: Vietnam Report |
Có thể thấy, ngay cả đến những điển hình của các DNNY trong việc đóng góp thuế
TNDN vào ngân sách quốc gia, hay có thể nhìn nhận ở góc độ "những doanh nghiệp
hoạt động tốt trong năm 2012" cũng bộc lộ nhiều điểm yếu của mình khi bị đặt
trước bài toán sinh lời
Vietnam Report