Vĩnh Long được biết đến là tỉnh thuộc trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long và là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống. Trong đó, có những làng nghề tồn tại hàng trăm năm, mang dấu ấn văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc vùng Nam Bộ xưa.

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long xác định các làng nghề truyền thống là một trong những lợi thế để phát triển kinh tế du lịch cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể kể tới các làng nghề truyền thống được hình thành từ rất lâu đời như xóm nghề chằm nón lá, làm gạch, đan rổ tre, sản xuất hủ tiếu, bún, tàu hũ ky... Đáng chú ý, nhiều sản phẩm đặc trưng làng nghề của đồng bào các dân tộc thiểu số đã tạo điểm nhấn cho làng nghề. Nhiều hộ gia đình gắn bó, truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác mà lực lượng chủ lực là phụ nữ.

anh man hinh 2024 02 22 luc 095329.png
Du lịch làng nghề nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết, để trợ lực cho ngành du lịch của địa phương phát triển, tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch, triển khai thực hiện các đề án về phát triển du lịch như: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch đến năm 2025”, “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vĩnh Long”, “Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, “Di sản đương đại Mang Thít”...

Với Đề án Phát triển du lịch, tỉnh Vĩnh Long kỳ vọng du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Việc triển khai đề án cũng sẽ tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương tham gia, bởi đề án cũng chú trọng đến đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số, tạo mọi điều kiện để đồng bào có cơ hội tham gia trực tiếp vào các làng nghề truyền thống nhằm phát huy được hết giá trị của ngành nghề đặc thù.

Mục tiêu thu hút lượng khách du lịch đến Vĩnh Long từ nay đến năm 2025 tăng trung bình 9%/năm, doanh thu tăng bình quân 25%/năm. Đặc biệt, việc phát triển làng nghề truyền thống và sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số đã được quan tâm, xây dựng trong quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương.

Xuân Quý và nhóm PV, BTV