Tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen.
Môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo. Kinh tế trong nước phục hồi tốt sau đại dịch, sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường; ngành dịch vụ đặc biệt dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc.
Các cấp, các ngành, các địa phương có sự đồng thuận cao, sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ, sự hưởng ứng tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và chăm lo, đảm bảo đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc chủ động triển khai các biện pháp thích ứng linh hoạt phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt quan tâm triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 (tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt cao so với cả nước) và sớm xây dựng các kế hoạch, giải pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 theo phân tầng.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2022 đã gặp không ít những khó khăn, thách thức nổi bật. Cụ thể:
Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi chậm, nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ giảm phát. Áp lực lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất tại một số ngành, lĩnh vực tại nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm virut SARS-CoV-2 tăng nhanh, tỷ lệ số ca nhiễm tăng cao nhất từ trước đến nay (với phạm vi, mức độ dịch phức tạp nhất từ trước đến nay, cao hơn so với kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 đề ra); gây áp lực lên hệ thống y tế các cấp. Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ số ca nhiễm virut SARS-CoV-2 cao dẫn đến khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do thiếu hụt lao động, các ngành dịch vụ bị gián đoạn...
Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao độ của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đã hồi phục rất khả quan, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tăng khá. Các chế độ, chính sách xã hội, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và vượt so với Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh đã đề ra.
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có những khởi sắc nhất định, từ đó tạo nguồn thu ngân sách nhà nước cho tỉnh. Tính đến 15/9/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 25.013 tỷ đồng, tăng 4,66% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh thực hiện giải phóng mặt bằng cho 346 dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội với tổng diện tích cần thực hiện giải phóng mặt bằng là: 2.893.4 ha. Trong đó, kế hoạch thực hiện giải phóng mặt bằng trong năm 2022 là: 1.072,4 ha. Kết quả: Diện tích đã thực hiện giải phóng mặt bằng: 600,1 ha, đạt 55.96% so với kế hoạch năm; tính lũy kế đến thời điểm báo cáo, kết quả giải phóng mặt bằng được 2.066,1 ha, đạt 74,41% so với tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng.
Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh trong những tháng đầu năm gặp khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Khi tình hình dịch trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và chủ trương của Chính phủ về thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, UBND tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Toàn tỉnh đã thu hút được 21 dự án DDI (14 dự án cấp mới, 07 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 9.797 tỷ đồng, tăng 11,09%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 51 dự án (21 dự án cấp mới, 30 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 292,82 triệu USD, bằng 29,5% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 15,06% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 2019 trở lại đây. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn phục hồi trở lại như trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,22%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,00%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,64%; riêng ngành khai khoáng giảm 33,22%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm nay ước đạt 47.954,1 tỷ đồng, tăng 19,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 42.843,6 tỷ đồng chiếm 89,40%, tăng 19,53%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 3.227,0 tỷ đồng chiếm 6,73%, tăng 22,11%; doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng đạt 1.853,5 tỷ đồng chiếm 3,87%, tăng 13,79%.
Để hoàn thành mục tiêu kép và phấn đấu đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra tại Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn các nhiệm vụ, giải pháp.
Tập trung tháo gỡ khó khăn để phục hồi và phát triển kinh tế. Đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội... Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường...
Quỳnh Nga