Không để ai bị bỏ lại phía sau

Những năm qua, nhờ không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở Vĩnh Phúc dễ dàng tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, mở ra cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 43 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất. Ngân sách tỉnh hỗ trợ đóng 100% bảo hiểm y tế cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Hàng nghìn lượt người thuộc đối tượng chính sách được khám, cấp thuốc miễn phí, miễn, giảm viện phí…

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở Vĩnh Phúc dễ dàng tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: VietNamNet.

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh được triển khai đồng bộ, rộng khắp với nhiều giải pháp hiệu quả. Nhất là các cơ chế chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng; vay vốn phát triển sản xuất; dạy nghề cho người nghèo; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt… tạo tiền đề cơ bản để hộ nghèo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Hằng năm, UBND tỉnh tổ chức ký cam kết giữa Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với UBND các huyện, thành phố về mục tiêu giảm nghèo gắn với thực hiện chính sách tín dụng, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người nghèo. Nhờ thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, đến hết tháng 6/2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 1,36%.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu là tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của xã hội và cộng đồng đối với công tác giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên của mỗi hộ nghèo, cận nghèo. Phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 0,5%, đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 2,5%,

Kế hoạch nêu rõ, nội dung phong trào, các tiêu chí thi đua và hình thức khen thưởng đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng, thực tiễn và yêu cầu giảm nghèo.

Các hộ gia đình cùng nhau thi đua chủ động vượt khó và tham gia giúp đỡ các cá nhân, hộ gia đình khác phát triển kinh tế, cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Khuyến khích các doanh nghiệp thi đua giúp đỡ hộ nghèo; vận động các hộ khá giàu giúp đỡ hộ nghèo.

Nguồn vốn ưu đãi – bước đi hiệu quả về giảm nghèo

Năm 2020, đã có hơn 25.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội

Chủ trương giảm nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được tỉnh Vĩnh Phúc xem là bước đi hiệu quả, thiết thực, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo tại địa phương.

Riêng năm 2020, đã có hơn 25.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc;. Trong đó có 940 lượt hộ nghèo, 2.031 lượt hộ cận nghèo, 2.942 lượt hộ mới thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 6.700 lao động, vay vốn cải tạo xây dựng 11.975 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn, 104 hộ vay vốn nhà ở xã hội…

Doanh số cho vay hộ nghèo đạt gần 66 tỷ đồng, hộ cận nghèo đạt gần 139 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo đạt trên 200 tỷ đồng, cho vay hộ dân tộc thiểu số miền núi đạt gần 2,9 tỷ đồng.

Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 2.288 tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ tiết kiệm và vay vốn ở 136 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách từ khâu bình xét, lựa chọn người vay, giám sát người vay trong việc sử dụng vốn đúng mục đích; đôn đốc người vay trả lãi tiền vay và nợ gốc đúng thời hạn.

Cùng đó, hoạt động ủy thác do Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn thực hiện có hiệu quả, không chỉ tăng lên về quy mô mạng lưới và dư nợ mà chất lượng hoạt động ủy thác tiếp tục được nâng lên rõ rệt. 

Nguồn vốn tín dụng chính sách do Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp thực hiện qua các tổ chức chính trị xã hội ủy thác các cấp đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc.

Câu chuyện ở huyện Sông Lô là một trong những điểm sáng về việc sử dụng nguồn vốn ưu đãi với công tác giảm nghèo. 

Trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, nhất là sau khi Chỉ thị số 40 và Kết luận 06 của của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được ban hành, công tác triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ trên địa bàn huyện Sông Lô đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Với phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với việc bình xét cho vay tại các tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng.

Tính đến cuối tháng 5/2022, tổng nguồn vốn huy động và quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt trên 373 tỷ đồng, tăng hơn 267 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao.

Tổng dư nợ ủy thác qua các hội đoàn thể trên địa bàn huyện đạt gần 370 tỷ đồng (chiếm trên 99% tổng dư nợ toàn huyện), triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách với trên 8.900 hộ được vay vốn thông qua 250 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Từ nguồn vốn này đã giúp gần 36 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động nông thôn; trên 2.900 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, yên tâm học tập; 341 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài...

Để công tác giảm nghèo đạt được hiệu quả cao hơn, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền và vai trò các tổ chức, đoàn thể từ cấp huyện đến cơ sở đối với công tác giảm nghèo. Phát huy mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, tập trung giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, để mỗi hộ nghèo, cận nghèo phải có ý thức vươn lên, tự lực vượt qua khó khăn, thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Với quan điểm xóa nghèo phải được thực hiện bằng việc trao cho người dân “cái cần câu” chứ không phải “con cá”, huyện sẽ ưu tiên, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Khuyến khích, động viên các hộ mạnh dạn tham gia các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp tại địa phương để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tập trung hỗ trợ về sinh kế cho hộ nghèo; chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thông tin đầy đủ về thị trường lao động, phối hợp với các doanh nghiệp, công ty tư vấn xuất khẩu lao động để tạo nhiều việc làm, thu nhập cao cho lao động.

Quỳnh Nga