Cuối tháng 4/2021, dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại trong nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với ngành du lịch. Tại các địa phương trên cả nước nói chung và du lịch Vĩnh Phúc nói riêng, hầu hết các dịch vụ, du lịch đều phải ngưng hoạt động để tập trung cho công tác phòng chống dịch. Đến nay, sau rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, tình hình dịch đang dần được kiểm soát.

Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đã có mức tăng trưởng khá, đạt 1.394,5 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, từ tháng 5/2021, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các địa phương thắt chặt biện pháp phòng chống đại dịch nên doanh thu lĩnh vực này đã giảm mạnh.

Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt khoảng 2.648,2 tỷ đồng. Trong đó, chỉ doanh thu dịch vụ ăn uống có mức tăng 6,96%, còn lại dịch vụ lưu trú giảm hơn 6% và dịch vụ lữ hành giảm mạnh tới 43% so với cùng kỳ năm 2020.

{keywords}
Tam Đảo - địa điểm thu hút khách du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, nhiều khu vực trở về trạng thái bình thường mới thì du lịch nội tỉnh, nội địa chính là biện pháp ưu tiên số một giúp khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn này. Vì vậy, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cho phép các các khu, điểm du lịch, di tích và danh thắng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, các sân golf, sân tập golf… được hoạt động trở lại nhưng phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, ngành du lịch Vĩnh Phúc đã và đang khởi động trở lại theo hướng mở cửa từng bước với các biện pháp, quy trình đón và phục vụ du khách bảo đảm an toàn trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời xây dựng tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn, xác định điểm đến an toàn và chuẩn bị đón khách nội địa. Trước mắt là khách trong tỉnh và các địa phương “vùng xanh” gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có văn bản yêu cầu các khu, điểm du lịch, đơn vị, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú và ăn uống mở cửa, triển khai hoạt động đón khách du lịch phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn, quy định của tỉnh, ngành y tế.

Đồng thời, chủ động xây dựng và triển khai Chương trình Khôi phục du lịch nội địa với các tiêu chí an toàn sát với các điều kiện trong Bộ Tiêu chí du lịch an toàn với dịch Covid-19 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng và ban hành như: 100% người lao động được tiêm đầy đủ vắc xin phòng Covid-19 và qua 14 ngày kể từ khi tiêm mũi cuối cùng.

Người lao động chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 chỉ được làm việc trực tuyến hoặc tại phòng làm việc độc lập. Lao động tiếp xúc trực tiếp với khách như hướng dẫn viên, lái xe… phải được xét nghiệm kết quả âm tính trong vòng 48 giờ tính đến thời điểm bắt đầu công việc tiếp xúc với du khách.

Bảo đảm số lượng du khách mỗi đoàn đúng quy định của ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương có điểm đến/đi du lịch trong chương trình; có quy trình xử lý tình huống khi phát hiện người lao động hoặc du khách xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hoặc là F0, tiếp xúc với F0…

Được biết, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 10 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó, một số đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế với thị trường khách du lịch đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc...

Hà Lan