Theo Quyết định 898 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP cấp tỉnh (lần 1) năm 2023, có 10 sản phẩm OCOP của 3 chủ thể trên địa bàn tỉnh tiếp tục được xếp hạng 4 sao.
Sau khi được phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP cấp tỉnh, các sản phẩm này tiếp tục được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “OCOP” và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm theo quy định tại Quyết định số 148 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành.
OCOP đã tạo hiệu ứng tích cực
Sau hơn 5 năm triển khai chương trình, Vĩnh Phúc có trên 100 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng 3 sao trở lên. Có thể điểm ra vài ví dụ như sau:
Là huyện miền núi, địa hình phức tạp, khó canh tác, song với sự năng động, thích ứng với thị trường, nông dân huyện Sông Lô đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, biến cái khó thành động lực tiến tới nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ. Những sản phẩm OCOP đầu tiên đã ra đời, đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con các xã.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được nhiều vùng sản xuất, nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc trưng, trong đó, có 7 sản phẩm được công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: Thanh long ruột đỏ Lộc Thúy Quỳnh; Thanh long ruột đỏ Tân Lập; nước uống đóng chai AQUA Thác Bay; ổi ở Đôn nhân; giò lụa Phương Khoan; cá thính trắm Cao Phong và mật ong Núi Thét.
Tại huyện Tam Dương, Công ty Cổ phần tinh chất Quê Việt, sau 6 năm đi vào hoạt động, nhất là sau hơn 1 năm được công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh, các sản phẩm được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Đây là động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và đa dạng các kênh thương mại. Hiện, công ty có hơn 50 chi nhánh, nhà phân phối tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, doanh thu đạt khoảng 60 tỷ đồng/năm.
Tam Đảo không chỉ là huyện trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đây còn có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang tạo sức bật mới trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tam Đảo đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP theo hướng mở rộng các chuỗi sản xuất, xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Giai đoạn 2021-2025, huyện có 15-20 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, mỗi năm có từ 1-3 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng cấp huyện và cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên; đối với các sản phẩm đã được chứng nhận 3 sao nâng hạng sản phẩm lên 4 sao.
Để gây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng sản xuất và tăng giá trị, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn, thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển sản phẩm hiện có, đồng thời, phát triển các sản phẩm mới, tập trung hoàn thiện và phát triển các sản phẩm có lợi thế của huyện như rau su su, thịt, trứng gà an toàn theo hướng hữu cơ và các sản phẩm đặc trưng của dân tộc Sán Dìu như trang phục dân tộc, thuốc nam gia truyền, bánh chưng gù, bánh gio… Hoàn thiện các tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Phấn đấu hằng năm phát triển mới từ 1 - 2 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã) tham gia chương trình sản phẩm OCOP.
Để tiếp tục nối dài thành tựu phát triển OCOP, đặc biệt là sản phẩm OCOP tại các huyện miền núi, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân và các chủ thể OCOP trên địa bàn về chương trình mỗi xã một sản phẩm; rà soát các sản phẩm tiềm năng và hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Tỉnh cũng đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, chủ trì tổ chức, phối hợp với cơ quan quản lý OCOP cấp huyện trong việc hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm đăng ký; xây dựng kế hoạch về ý tưởng, sản phẩm của cấp xã.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP. Đồng thời, quảng bá và triển khai các gian hàng trưng bày, giới thiệu, cung cấp các sản phẩm OCOP; từng bước giúp nông sản tỉnh nhà “cất cánh”, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn.
Những thành quả đã đạt được là cơ sở để giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc đặt kế hoạch phát triển mới 70 - 80 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao cấp tỉnh trở lên, từ 2 - 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.
Thực tế triển khai OCOP ở Vĩnh Phúc cho thấy chương trình đã tạo hiệu ứng tích cực, trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn. Từ đó, góp phần phát triển và thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân.