Tập trung các nguồn lực hỗ trợ 

Theo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Vĩnh Phúc, giai đoạn 2017 - 2019, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá, mức tăng hằng năm về lượng khách đạt hơn 15% và doanh thu 11%. Du lịch đã tạo việc làm cho trên 14.000 lao động, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. 

Tuy nhiên, dù lượng du khách đến Vĩnh Phúc tăng cao nhưng doanh thu từ du lịch còn thấp, do mức chi tiêu bình quân của du khách thấp, khoảng 400.000 đồng - 500.000 đồng/ngày/khách. Nguyên nhân chủ yếu do lượng khách lưu trú không nhiều, thiếu các sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tuy phát triển nhưng phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Đảo, vì vậy, không giữ được khách là các chuyên gia cao cấp lưu trú tại tỉnh.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của Vĩnh Phúc ở Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.

Để tiếp tục phát huy lợi thế về du lịch của tỉnh và thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vào ngành du lịch, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng Nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2025. 

Nghị quyết sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển phát triển du lịch trên địa bàn.

Tỉnh sẽ dành nguồn lực tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp hệ thống đường giao thông kết nối các khu, điểm có hoạt động du lịch trên địa bàn. Hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng khách sạn, hỗ trợ các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật cho vườn cây ăn quả, vườn hoa sinh thái kết hợp với kinh doanh du lịch. Hỗ trợ kinh phí thành lập đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các địa điểm có hoạt động du lịch cộng đồng. Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch. Hỗ trợ xây dựng mới nhà hàng kết hợp bán hàng đặc sản, sản phẩm OCOP, quà tặng du lịch, quà lưu niệm của tỉnh. Hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các dự án vui chơi, giải trí. Hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch...

Từ đầu năm 2022,  tỉnh đã có nhiều hoạt động thúc đẩy du lịch, điển hình là tổ chức đoàn khảo sát, Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch MICE với chủ đề "Hành trình kết nối đến với Vĩnh Phúc 2022". Sự kiện do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức tháng 3/2022.

Mục tiêu của chương trình nhằm đẩy mạnh việc cung cấp thông tin du lịch, tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các khu, điểm du lịch tiêu biểu, sản phẩm du lịch MICE của Vĩnh Phúc tới các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp du lịch các tỉnh; nghiên cứu, đánh giá đúng thế mạnh của du lịch Vĩnh Phúc.

Chương trình khảo sát có sự tham gia của hơn 50 đơn vị gồm: các doanh nghiệp, công ty dịch vụ du lịch từ các tỉnh phía Bắc - Trung – Nam; các đơn vị truyền thông.... Đoàn sẽ tham gia trải nghiệm tại Trung tâm cứu hộ gấu và chinh phục thung lũng Chắt Dậu; khảo sát Khu di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Tây Thiên; Flamingo Đại Lải Resort, sân golf Thanh Lanh…

Gần đây nhất là ngày 8/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 (ITE HCMC 2022). 

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2022, Khu trưng bày triển lãm của Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tình Vĩnh Phúc cùng 2 doanh nghiệp: Công ty Ong Tam Đảo; HTX Nấm Tam Đảo mang đến nhiều ấn phẩm, tài liệu, hình ảnh, thước phim quảng bá và sản phẩm đặc trưng nhằm giúp khách tham quan tiếp cận, tìm hiểu thông tin cũng như trải nghiệm một cách dễ dàng.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Đời sống tâm linh từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam và được thể hiện qua các hoạt động tôn giáo. Chính vì thế, du lịch tâm linh đã trở thành một trong những loại hình du lịch phổ biến tại Việt Nam mang đến những trải nghiệm khám phá vùng đất mới và nhiều giá trị tinh thần cho khách du lịch.

Vĩnh Phúc có lợi thế để phát triển du lịch tâm linh gắn với nghỉ dưỡng.

Vĩnh Phúc có gần 500 di tích lịch sử và công trình văn hóa, trong đó có 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm giá trị tâm linh như: Danh thắng Tây Thiên, Tháp Bình Sơn, Đền thờ Trần Nguyên Hãn, Chùa Hà Tiên… Hàng năm, các di tích này thu hút rất đông khách du lịch đến hành hương và chiêm bái. 

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng có nhiều ngôi chùa, đình, đền được xây dựng cách đây hàng trăm năm… Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn có nhiều lễ hội dân gian đậm bản sắc dân tộc như: Lễ hội Đền Bắc Cung (huyện Yên Lạc), Lễ hội đả cầu cướp phết (huyện Lập Thạch), Lễ hội Léo Soong (huyện Bình Xuyên)... 

Với lợi thế này, tỉnh đã và đang đẩy mạnh khai thác du lịch tâm linh, gắn với du lịch nghỉ dưỡng. Song song đó là đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tâm linh, bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể gắn với điểm du lịch tâm linh. 

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng tăng cường nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm du lịch có thương hiệu, mang nét đặc trưng của tỉnh. Đồng thời quảng bá những nét văn hóa dân gian đặc sắc của tỉnh Vĩnh Phúc đến du khách. 

Nếu như trước đây, khách du lịch đến Vĩnh Phúc hầu hết là du khách trong nước thì những năm gần đây, du lịch Vĩnh Phúc đã thu hút được khá nhiều khách quốc tế. 

Khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo nằm giữa một vùng đa dạng sinh học phong phú của dãy Tam Đảo với cảnh quan hoang sơ, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Ngoài ra, Khu danh thắng Tây Thiên còn có hệ thống tài nguyên nhân văn gắn với lịch sử và tôn giáo, tín ngưỡng... 

Tại Khu danh thắng Tây Thiên có ngôi đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu cùng nhiều ngôi chùa cổ như Phong Châu, Thiên Ân, Tây Thiên, đền Thượng… Từ khi được xếp hạng là di tích danh thắng quốc gia năm 1991, khu danh thắng đã được trùng tu, tôn tạo; kết nối nhiều công trình đền chùa, bảo tháp, sân trung tâm lễ hội bằng hệ thống giao thông nội bộ và cáp treo, tạo điều kiện cho du khách về tham quan, chiêm bái. Mỗi năm, Khu di tích danh thắng Tây Thiên đón hàng vạn lượt du khách đến chiêm bái, hành hương. 

Một điểm đến không thể bỏ qua ở Khu du lịch văn hóa tâm linh này là Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Được xây dựng trên nền của Thiên Ân cổ tự, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong ba thiền viện lớn nhất nước ta hiện nay. Với kiến trúc độc đáo, tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi thiêng, Thiền viện luôn thu hút nhiều du khách, phật tử tìm về để được thả hồn vào không gian trong lành với những đồi thông cao vút, những vườn hoa khoe sắc giữa lưng chừng mây. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên còn là một trung tâm tu học lớn. 

Tháp Bình Sơn được xây dựng từ thời Trần, nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh (chùa Then) thuộc thôn Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là ngọn tháp tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý - Trần ở Việt Nam. Tháp Bình Sơn có kiến trúc độc đáo, hội tụ nhiều nét tinh hoa của văn hóa truyền thống Việt Nam. 

Năm 2016, Khu danh thắng Tây Thiên và Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. 

Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, tỉnh Vĩnh Phúc cũng chú trọng phát triển loại hình du lịch nghệ thuật dân gian, các lễ hội truyền thống tại các khu du lịch, đền, chùa. Đến Vĩnh Phúc du khách còn được giao lưu hát Soọng cô, hát văn, hát xẩm, được hòa mình vào những trò chơi dân gian với người dân bản địa…

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã lên kế hoạch xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp, thích ứng với nhiều đối tượng; quy hoạch các điểm du lịch, xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông… tạo điểm nối các di tích phục vụ du khách. 

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, đến nay các khu di tích, các khu điểm du lịch, dịch vụ trên địa bàn thực hiện mở cửa đón du khách và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo thuận lợi, an toàn cho khách đến thăm quan; triển khai thực hiện tốt các giải pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch.

Tỉnh sẽ khai thác tốt các tuyến, điểm du lịch nội tỉnh; kết nối du lịch với các tỉnh lân cận, liên kết mạnh hơn, chặt chẽ hơn với các tỉnh này để xúc tiến phát triển du lịch.

Quỳnh Nga