Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, khiến cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gặp khó khăn. Điển hình như có nhiều người bị thiếu việc làm hoặc mất việc làm, nhiều người phải nghỉ việc không lương, giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động,..

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, vì vậy UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, ổn định lao động cho các doanh nghiệp, cung cấp kịp thời các thông tin về cung cầu lao động cho doanh nghiệp; khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động ở các doanh nghiệp.

Cùng với đó, UBND tỉnh còn chỉ đạo các trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để động viên, hỗ trợ hiệu quả người lao động quay trở lại đơn vị làm việc; tìm kiếm, tuyển dụng lao động mới cho các doanh nghiệp,…

{keywords}
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Nhờ đó, 9 tháng qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 19 phiên giao dịch việc làm (trong đó 02 phiên lưu động), với sự tham gia của 165 lượt doanh nghiệp và 1.026 lao động đăng ký tuyển lao động tại Sàn giao dịch, đã có 750 lao động đạt sơ tuyển tại Sàn.

Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 11.516 lao động đạt 67,7% so với kế hoạch năm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 196 lao động.

Để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, giải pháp giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2021 và giai đoạn 2022-2025, sắp tới Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững đến các cấp, các ngành và địa phương, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến và đồng thuận của toàn xã hội.

Các sở, ngành cần khẩn trương rà soát, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng vào chính sách hỗ trợ gắn với điều kiện, chính sách hỗ trợ tạo việc làm phải là việc làm có năng suất và thu nhập tốt, bảo đảm thoát nghèo bền vững. Các chính sách cần ưu tiên cho các nhóm đối tượng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo.

Đồng thời, tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư và thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới phải gắn với giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động nguồn lực toàn xã hội và sự ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài nước trong công cuộc hỗ trợ người nghèo trên địa bàn tỉnh.

Hà Lan