Vinh Phuc.jpg
Ứng dụng các phần mềm điện tử trong quản lý và bán hàng giúp Siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng tốt hơn. Ảnh: Nguyễn Lượng

Đáp ứng xu hướng tiêu dùng trực tuyến, tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh, các đơn vị bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tập trung đưa các hoạt động kinh doanh từ môi trường thực lên môi trường số. Qua đó thúc đẩy hình thành nền kinh tế số, xây dựng xã hội số trên địa bàn.

Không nằm ngoài cuộc đua

Trên địa bàn tỉnh hiện có 81 chợ, 7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại tổng hợp (Hà Minh Anh, Soiva Plaza tại thành phố Vĩnh Yên) và hơn 1.230 cửa hàng tạp hóa, ăn uống và các dịch vụ khác phát triển rộng khắp các huyện, thành phố.

Với mạng lưới chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại dày đặc cùng hàng nghìn doanh nghiệp sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử, tiềm năng và dư địa cho quá trình chuyển đổi số nói chung, phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng trên địa bàn tỉnh rất lớn.

Thực tế, trong cuộc đua giành thị phần, hiện việc chuyển đổi số trong các hoạt động đã trở thành vấn đề tất yếu, được các doanh nghiệp, "ông lớn" trong ngành bán lẻ quan tâm, ứng dụng kênh bán hàng online qua các app và mang lại hiệu quả thiết thực.

Đơn cử, tại Siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc, bên cạnh phương thức bán hàng trực tiếp, truyền thống, siêu thị đã phát triển 10 ứng dụng chuyển đổi số như App bán hàng "Saigon Co.op", fanpage "Siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc"... đã giúp đơn vị tối ưu hóa việc quản lý và đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Không nằm ngoài cuộc, cùng với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, gia tăng sản lượng tiêu thụ hàng hóa, doanh thu cũng như theo kịp xu hướng phát triển tất yếu của thị trường.

Nhờ quan tâm đến việc phát triển TMĐT, từ năm 2021 đến nay, Vĩnh Phúc luôn duy trì vị trí tốp 15 tỉnh có chỉ số phát triển TMĐT tốt nhất cả nước.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 241 máy ATM, 990 POS được lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh, siêu thị, chuỗi phân phối, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... trong toàn tỉnh; hơn 10 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh.

Năm 2023, doanh số TMĐT bán lẻ của Vĩnh Phúc đạt 543,2 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2022, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành trên cả nước; tỷ lệ mua hàng trực tuyến đạt khoảng 1,83%, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành; giá trị mua sắm bình quân người mua hàng trực tuyến là 1,74 triệu đồng, xếp vị trí thứ 41/63 tỉnh, thành; hơn 3.000 thương nhân có giao dịch TMĐT, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành.

Sự phát triển TMĐT nói chung, quá trình số hóa nói riêng tại các đơn vị bán buôn, bán lẻ đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Góp phần phát triển nền kinh tế số

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song, qua khảo sát của các ngành chức năng tại nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ đơn vị sở hữu trang web có chức năng mua, bán, tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng trên website so với tổng số đang hoạt động của tỉnh còn chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Một số đơn vị được hỗ trợ xây dựng trang web nhưng không biết cách quảng bá trang web trên môi trường mạng internet để tăng tính lan tỏa thông tin, do đó, hiệu quả trang web không được như mong đợi.

Với đặc điểm là một địa phương có ngành công nghiệp phát triển, thu hút nhiều lao động ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc, nhu cầu thị trường tiêu dùng trên địa bàn tỉnh khá lớn, do đó, việc chuyển đổi số toàn diện là xu hướng tất yếu để các đơn vị bán buôn, bán lẻ trụ vững trên thị trường.

Đề án phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt, đề ra mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm hơn 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10% và đến năm 2030, các con số trên lần lượt là chiếm hơn 20% và đạt hơn 20%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần triển khai tích cực các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh xây dựng trang web TMĐT phù hợp với mô hình SXKD, sản phẩm hàng hóa của đơn vị và tham gia vào mạng lưới TMĐT xuyên biên giới.

Phát triển các giải pháp chia sẻ hạ tầng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phân phối bán lẻ, các giải pháp liên kết, chia sẻ thông minh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng và doanh nghiệp với Chính phủ trên nền tảng di động, thẻ thông minh và dữ liệu lớn...

 Theo Lưu Nhung (Báo Vĩnh Phúc)