Với việc phát huy dân chủ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân.

Nhân dân đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị canh tác; tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, giá trị kinh tế cao, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả… từng bước nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

W-Binhxuyen.png
Diện mạo nông thôn mới ở huyện Bình Xuyên

Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định giai đoạn 2021-2025; 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 177 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo kế hoạch đến cuối năm 2024 toàn tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới thông minh, 35 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 27 thôn đạt chuẩn thôn thông minh.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và huy động các nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Công khai, minh bạch trong sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tạo điều kiện để người dân và cộng đồng tham gia giám sát các nội dung thực hiện chương trình; tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; làm tốt công tác thi đua khen thưởng, kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình hiệu quả, gương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mớinâng cao, kiểu mẫu…

Tuy nhiên thực hiện việc này không hề dễ bởi sau khi sửa đổi thì một số tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã được nâng cao hơn hẳn trước như tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch, trường học đạt chuẩn, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, an toàn thực phẩm…

Trước những khó khăn ấy, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn quyết tâm xây dựng nông thôn mới và yêu cầu các cơ quan, ban ngành có liên quan cùng với các địa phương phải có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như khuyến khích doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nước sạch nông thôn, đồng thời xử lý nghiêm các dự án đã phê duyệt nhưng bị chậm tiến độ.

Với những địa phương đã có hệ thống cấp nước sạch về thì phải tuyên truyền, vận động người dân đấu nối vào để sử dụng.

Với hệ thống cơ sở vật chất của ngành giáo dục, ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ các xã chưa đạt về tiêu chí trường học để nhanh chóng đạt chuẩn theo quy định mới, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học.

Và, với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao, ưu tiên rà soát, kiểm tra xem những nội dung nào đạt và chưa đạt để từ đó hoàn thành, đặc biệt là các nhà văn hóa phải đảm bảo cả về quy mô, diện tích lẫn các thiết chế bên trong như bàn ghế, loa đài, dụng cụ bổ trợ.