- Có lẽ VN nên tính đến những bước tiến lớn hơn, và đừng ngại mắc sai lầm, tự cho mình cơ hội sửa chữa sai lầm - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) ở VN Victoria Kwakwa nhận định.

- Nhìn nhận của cá nhân bà về sự thay đổi của đất nước VN trong 40 năm qua, sau khi chấm dứt chiến tranh và tập trung vào phát triển kinh tế?

Mỗi khi đến dịp kỷ niệm, những hình ảnh của cuộc chiến lại được tái hiện, bom đạn, chiến đấu, người dân sơ tán, nhà cửa tan tác... Hãy đem những hình ảnh mất mát, đổ nát đó so sánh với những gì ta đang chứng kiến hôm nay, để thấy VN đã thành công trong việc trở thành một đất nước thống nhất. So sánh cả với những thanh tựu về kinh tế và xã hội mà đất nước đã đạt được, quả thật là tuyệt vời.

{keywords}

Bà Victoria Kwakwa. Ảnh: VnEconomy

Tôi tin là hỏi bất cứ ai, họ đều sẽ nói là trong 40 năm qua, VN đã thực sự thay đổi trên nhiều lĩnh vực, kinh tế, xã hội và ở một mức độ nào đó là chính trị, cũng như đã có vị thế trong khu vực và trên thế giới. Các bạn đã thành công trong việc hồi phục sau chiến tranh, điều mà không nhiều nước làm được.

- Sau 40 năm, thế giới đã bớt nhìn VN như một "cuộc chiến", mà ngày càng nhìn VN như một "đất nước". Bà đánh giá thế nào về sự phát triển kinh tế của VN?

Những thành tựu về kinh tế của VN là rất đáng kể, nhưng sự phát triển không đến một cách dễ dàng. 40 năm trước, VN gần như không có gì, là một trong những nước nghèo nhất thế giới, và mắc kẹt trong tình trạng thu nhập thấp trong rất nhiều năm. VN giờ đây đã trở thành một nước thu nhập trung bình, nền kinh tế đa dạng hơn, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều đã có nền tảng và gần đây, công nghệ thông tin cũng đang dần có chỗ đứng trong các sản phẩm xuất khẩu.

Từ chỗ là một nền kinh tế đóng, giờ VN đã mở cửa và hội nhập, thu hút rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như nhiều tổ chức và hiệp định thương mại khác. Từ chỗ không hề có kinh tế tư nhân, đến nay khu vực này đang góp phần đáng kể vào GDP. Đó thực sự là một thay đổi mang tính hiện tượng.

Dù "cuộc chiến" sẽ mãi nằm trong ký ức của thế giới về VN, nhưng các nước đến làm ăn với VN đều là vì những thành công về kinh tế của VN.

VN đã thực dụng hơn

- Theo bà, trong 40 năm qua, Việt Nam đã vượt qua được những khó khăn, thử thách gì đáng kể nhất?

Tôi cảm thấy điều khó khăn nhất mà VN đã vượt qua chính là sự chia cắt Bắc - Nam. Việc là một nước thống nhất chính là sức mạnh của VN, tinh thần dân tộc mạnh mẽ là lý do cho nhiều thành công của VN.

Thứ hai là việc VN duy trì được một chính phủ ổn định. Nhìn vào tình hình ở nhiều nước châu Phi sẽ thấy tăng trưởng kinh tế bị tổn hại rất nhiều vì sự bất ổn chính trị.

Một điều nữa mà VN đã vượt qua, tôi không biết miêu tả thế nào, nhưng các bạn đã bớt nặng nề về tư tưởng. So với thời điểm sau khi đất nước thống nhất, tôi thấy VN đã trở nên thực dụng hơn, và điều đó thực sự có ý nghĩa. Trong tổ chức một nền kinh tế mở và hội nhập, khu vực tư nhân được tạo điều kiện để trở thành một trong những động lực tăng trưởng.

- Và trong 40 năm tới, đâu là thách thức lớn nhất của Việt Nam trong phát triển kinh tế, để thực sự bật lên?

Đó là VN phải làm được nhiều hơn những gì đã làm được trong 40 năm qua, dựa trên nền tảng của ngày hôm nay để đưa nền kinh tế lên một tầm cỡ mới trong 40 năm tới. VN sẽ tiếp tục cần đến sự đoàn kết và sự thực dụng để đưa ra những quyết sách đúng đắn.

Nhưng có nhiều điều cần thay đổi nhanh hơn tốc độ thay đổi hiện nay. Những đổi mới tư duy về vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế cần diễn ra nhanh hơn, việc xây dựng nền kinh tế thị trường cần mạnh bạo hơn. VN đã có nhiều bước tiến dũng cảm, nhưng vẫn có sự ngần ngại hoặc nhạy cảm không muốn nền kinh tế "bị sốc" nên làm mọi thứ chậm rãi. Có lẽ nên tính đến những bước tiến lớn hơn, và đừng ngại mắc sai lầm, tự cho mình cơ hội sửa chữa sai lầm.

VN cũng nên quan sát các xu hướng trên thế giới để biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai và chuẩn bị kế hoạch ngay từ bây giờ, bằng cách tạo cơ chế cho sự sáng tạo, mạo hiểm, đổi mới.

Tầm nhìn 'TP.HCM phải là số 1'

- Đối với đầu tàu kinh tế TP.HCM, trong cuộc đua với Bangkok, Jakarta... bà có khuyến nghị gì để nó phát huy được những tiềm năng của mình?

Điều này phụ thuộc vào năng lực của TP.HCM trong việc điều hành một đô thị hiện đại với một tầm nhìn sáng suốt. Trong đó, quan trọng là một chính quyền minh bạch, một quy hoạch đô thị cụ thể về hạ tầng, giao thông, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Cũng như cách thành phố hỗ trợ những bộ phận dân chúng yếu thế trong quá trình phát triển chung thông qua các chính sách nhà ở, phúc lợi, môi trường...

Tóm lại, TP.HCM cần những người lãnh đạo mạnh mẽ và cam kết phục vụ người dân. Đó là những người lãnh đạo lắng nghe dân và để người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Đó là những người lãnh đạo có tầm nhìn rằng "TP.HCM phải là số 1".

Chung Hoàng