- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước các quan khách quốc tế nhấn mạnh giờ là thời điểm thực tế để VN “chủ động đóng góp xây dựng và định hình luật chơi chung” trong các vấn đề, thách thức của khu vực và thế giới.
Thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu trong bài phát biểu chiều 15/10 tại Viện Koerber ở thủ đô Berlin, Đức.
Bài phát biểu trước các chính khách, các nhà nghiên cứu hàng đầu của nước Đức nêu bật những vấn đề, thách thức đối với hòa bình, an ninh, phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức trong tổng thể quan hệ Á - Âu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Viện Koerber |
“Nếu môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của châu Á - Thái Bình Dương bị xấu đi thì sẽ gây tác động rất tiêu cực và hệ lụy khôn lường đối với cả khu vực và toàn thế giới” – Thủ tướng phát biểu.
Những nguy cơ, thách thức trên đây đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác và nỗ lực rất cao của mỗi quốc gia, cả khu vực và toàn thế giới. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh không một quốc gia nào, kể cả những cường quốc hàng đầu, có thể một mình đủ sức giải quyết được.
“Mỗi quốc gia, dù lớn, hay nhỏ, bên cạnh việc chăm lo lợi ích của riêng mình, đều phải quan tâm đến các vấn đề chung của thế giới và lợi ích chính đáng của các nước khác. Đây là nền tảng nhận thức cơ bản để các quốc gia tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy các cơ chế hợp tác, xây dựng lòng tin, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”.
VN trong bản đồ hội nhập thế giới
Về VN, Thủ tướng nhắc lại ưu tiên hàng đầu là giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tập trung phát triển đất nước và cải thiện đời sống của người dân. Đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề, các thách thức chung của khu vực và thế giới.
Nền tảng hội nhập quốc tế, đổi mới kinh tế sau gần 30 năm đã xây dựng nên một diện mạo VN mới, từ một quốc gia nghèo trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình.
Bài phát biểu của Thủ tướng đã nêu những con số ấn tượng minh họa, đồng thời khẳng định VN đang chủ động hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm và là động lực chính.
“Tình hình và điều kiện thực tế đã cho phép chúng tôi chuyển từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng và định hình luật chơi chung”, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của mình đối với các vấn đề, các thách thức của khu vực và thế giới” – Thủ tướng phát biểu.
Theo đó, VN kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn là đối tác tin cậy của các quốc gia vì hòa bình và phát triển. Không ngừng nỗ lực xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp và tăng cường hợp tác cùng có lợi với tất cả các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác truyền thống.
“Chính sách nhất quán của VN là không liên minh với nước này để chống phá nước khác. Chúng tôi kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành mong muốn cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược – một sự tin cậy lẫn nhau bền vững lâu dài - trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, Luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới” – Thủ tướng nhấn mạnh.
VN hoan nghênh mọi chính sách của các nước lớn đối với châu Á - Thái Bình Dương nếu các chính sách đó tôn trọng Luật pháp quốc tế và các thể chế khu vực, không cường quyền áp đặt, không xâm phạm độc lập chủ quyền của các quốc gia, hợp tác bình đẳng cùng có lợi và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, phát triển ở khu vực.
Giải pháp lâu dài cho vấn đề Biển Đông
Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng nêu bật hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Đây là nơi có tuyến hàng hải quốc tế, với khoảng 50% hàng hóa vận chuyển đường biển của toàn cầu - mà phần lớn là lưu chuyển hàng hóa giữa châu Âu và Đông Á.
“Những bất ổn, căng thẳng vừa qua đã cho thấy rõ lợi ích này chỉ có thể được bảo đảm khi tất cả các nước, nhất là các nước trực tiếp có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đều phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, kiềm chế không có hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC)”.
Thủ tướng cho hay, VN luôn kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực. Trong khi khẳng định và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước theo đúng Luật pháp quốc tế, VN luôn chủ động ứng xử phù hợp và tranh thủ mọi cơ hội để làm giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông.
“Thời gian qua, công luận trên thế giới, Chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Nhóm các nước G7, Cộng đồng ASEAN... đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ lập trường chính nghĩa – phù hợp với Luật pháp quốc tế - của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Nhân dịp này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn bạn bè trên thế giới - ở châu Âu, ở Đức - đã có tiếng nói tích cực, khách quan, đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh của khu vực” – Thủ tướng phát biểu.
Định vị quan hệ VN và Đức
Đề cập quan hệ VN và Đức, Thủ tướng ca ngợi quan hệ hai nước đã có những bước tiến vững chắc và đang phát triển rất thuận lợi, đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2011. Đặc biệt chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2015).
Thủ tướng khẳng định VN sẽ cùng với Đức nâng tầm các cơ chế đối thoại song phương, nỗ lực đẩy mạnh các nội hàm hợp tác vì phát triển bền vững, nhất là trong các ngành mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu như phát triển năng lượng, công nghệ xanh, sạch, công nghiệp chế tạo, giao thông công cộng, tài chính ngân hàng, hàng tiêu dùng, hàng nông thủy sản...
Linh Thư