Theo kết quả điều tra của Cơ quan hỗ trợ sinh viên Nhật Bản có tư cách pháp nhân hành chính độc lập, năm 2015 lần đầu tiên số lượng lưu học sinh người nước ngoài học ở Nhật vượt con số 20 vạn, mức cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu tăng số lượng lưu học sinh nước ngoài lên 30 vạn vào năm 2020 của chính phủ sẽ gặp khó khăn căn cứ vào tình hình hiện tại.

Số lượng lưu học sinh người nước ngoài học tại Nhật Bản năm 2015 là 208.379 người, tăng 24.224 người so với năm trước (13.2%).

Đây là năm thứ ba liên tục số lượng lưu học sinh người nước ngoài ở Nhật Bản gia tăng.

Cụ thể, có 152.062 người học tại các trường cao đẳng, đại học, sau đại học, 56.317 người học tại các trường Nhật ngữ.

Tỉ lệ lưu học sinh người nước ngoài phân chia theo quốc tịch như sau: Trung Quốc (45.2%), Việt Nam (18.7%), Nepal (7.8%), Hàn Quốc (7.3%), Đài Loan (3.5%), Indonesia (1.7%), Myanmar (1.3%), Malaisia và Mĩ (1.2%). 97, 2% số lưu học sinh người nước ngoài ở Nhật là người châu Á, 1.3% là người Âu Mĩ, 0.8% là người Trung Đông, 0.7% là người châu Phi, trung nam Mĩ, 0.3% là người châu Đại Dương.

Đặc trưng nổi bật là số lượng du học sinh người châu Á chiếm trên 90%.

So với năm trước số lượng lưu học sinh người Trung Quốc và Hàn Quốc suy giảm trong khi lưu học sinh các nước khác lại tăng mạnh như: Nepal (55.5%), Việt Nam (47.1%), Mynamar (42.4%). Nhìn vào con số này có thể thấy học sinh đến từ các nước đang phát triển ở châu Á này đang quan tâm tới Nhật Bản.

Tỷ lệ lưu học sinh học phân chia theo chủng loại trường học như sau:ở bậc sau đại học: Quốc lập (61.7%), công lập (4.4%), tư thục (33.9%); bậc đại học: quốc lập (16.3%), công lập (2.6%), tư thục 81.1%.

Ở bậc sau đại học trường đại học quốc lập tiếp nhận khoảng 60% lưu học sinh trong khi ở bậc đại học các trường đại học tư thục thu hút trên 80% lưu học sinh.

Tỷ lệ lưu học sinh người nước ngoài phân chia theo khu vực cư trú như sau: Kanto (49.9%), Kinki (18.1%), Kyushu (12.0%), Chubu (9.7%), Chugoku (4.7%), Tohokku (2.6%), Hokkaido (1.8%), Shikoku (1%). Lưu học sinh chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn và nó đặt ra các vấn đề cần phải giải quyết từ giờ về sau.

Tỷ lệ lưu học sinh phân chia theo lĩnh vực học tập như sau: Khoa học xã hội (36.2%), khoa học nhân văn (24.8%), Kĩ thuật công nghệ (16.2%), nghệ thuật (3.7%), nông học (2.2%). Nhìn tổng thể lĩnh vực xã hội- nhân văn thu hút trên 60% lưu học sinh.

Chính phủ Nhật Bản hiện đang theo đuổi mục tiêu đạt “30 vạn lưu học sinh” vào năm 2020 tuy nhiên theo dự đoán mục tiêu này sẽ rất khó đạt được. Những đặc điểm nhìn thấy từ cuộc điều tra như lưu học sinh chủ yếu đến từ các nước châu Á, lĩnh vực học tập được quan tâm nhất là khoa học xã hội-nhân văn sẽ trở thành những yếu tố cân nhắc quan trọng trong việc điều chỉnh chính sách thu hút lưu học sinh của Nhật Bản trong thời gian tới.

Có lẽ cần phải suy nghĩ về chính sách lưu học sinh đáp ứng nhu cầu của lưu học sinh người nước ngoài trên cơ sở suy nghĩ lại về hiện thực như lưu học sinh chủ yếu đến từ các nước châu Á, lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu là xã hội nhân văn.

  • Nguyễn Quốc Vương (theo Sankei)