- Là một trong những dự án xã hội hóa đầu tiên của Hà Nội, sau gần 3 thập kỷ, câu chuyện của Cty IDC – đơn vị nhận san lấp hồ An Dương, cuối cùng cũng tìm được tiếng nói giải quyết. Thế nhưng, phương án mà Hà Nội đưa ra khiến họ càng lấy làm… buồn tủi!
Sự nghiệp trắc trở
Như VietNamNet đã thông tin. Công ty Phát triển đầu tư xây dựng – gọi tắt là Công ty IDC - thuộc pháp lý hội và cơ quan đoàn thể từ năm 1989 đến 1993, sau đó chuyển đổi thành Công ty TNHH Xây dựng IDC từ năm 1993 cho đến nay (theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mã số 010234280).
Vào những năm 1990, nền kinh tế mới bước sang cơ thế thị trường, còn nhiều khó khăn bất ổn, Nhà nước không có vốn đầu tư, kêu gọi huy động đầu tư từ nhân dân. Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước “nhà nước và nhân dân cùng làm”, Công ty IDC được giao thực hiện hạng mục san lấp Hồ An dương theo giấy phép sử dụng đất số 2705UBXDCB và Hồ sơ mốc địa giới ngày 22/2/1992.
Một góc của dự án dang dở |
Năm 1989, Hội VACVINA ký kết hợp đồng san lấp với UBND Phường Yên Phụ, đã thực hiện san lấp được 4.000m2. Sau đó bị đình chỉ, Hội VACVINA bị phá sản.
Năm 1990, Tổ Tiên Tiến – Dị Nậu – Thạch Thất mua lại dự án từ VACVINA và 25/8/1990 cùng với phòng Xây dựng quận Ba Đình ký hợp đồng nguyên tắc số 165 san lấp 12.000m2 hồ An Dương. Dự án chưa thực hiện được đã bị phá sản.
Năm 1991, để tiếp tục Dự án san lấp Hồ An Dương, Công ty Phát triển đầu tư xây dựng (hiện tại là công ty IDC) được UBND Quận Ba Đình giao cho thực hiện hạng mục san lấp 8.400m2 đất hồ An Dương và ngày 20/1/1992 hai bên đã ký kết hợp đồng nguyên tắc số 10/HĐ và ngày 26/1/1992 ký Hợp đồngcụ thể số 124/HĐ.
Công ty đã tiến hành thanh toán khối lượng dở dang và công nợ từ tổ Tiên Tiến Dị Nậu đồng thời huy động 77 cổ đông góp vốn nhằm tạo quỹ nhà ở và văn phòng làm việc cho UBND và các hộ dân.Tuy nhiên, do sai phạm của UBND quận Ba Đình, hạng mục san lấp bị tạm dừng.
Từ những tài liệu chứng từ gốc được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận, Giá trị đầu tư vào hạng mục san lấp Công ty thực hiện được thể hiện trong các biên bản: Văn bản xác nhận vốn đầu tư của ban QLCT XD Ba Đình ngày 30/5/1993; Kết luận thanh tra số 21 ngày 27/1/1994; Báo cáo thanh lý số 175 CV/BQL ngày 5/6/1996.
Tổng cộng chi phí đầu tư hạng mục san lấp là hơn 1.113.310.505 VNĐ bao gồm chi phí trả tổ Tiên Tiến; chi phí gián tiếp trả tổ Tiên Tiến và chi phí san lấp của IDC.
Ngày 14/8/1996 UBND quận Ba đình đã có công văn số 459 CV/UB gửi lên UBND thành phố Hà nội báo cáo xin giải quyết đất hồ An dương để xin thành phố xem xét và phê duyệt hạng mục san lấp số tiền 1.113.310.505 VNĐ của Công ty IDC và đề xuất xử lý các vấn đề thực hiện dự án.
Ngày 31/1/1997 UBND thành phố Hà nội đã có công văn số 260/CV-UB về việc sử dụng đất tại hồ An dương quận Tây Hồ. Nội dung: Giao cho UBND quận Tây Hồ trình UBND thành phố quyết định chủ đầu tư công trình để lập và thực hiện tiếp dự án đầu tư hạ tầng đất đô thị và Giao cho đồng chí Giám đốc Sở Tài chính vật giá chủ trì phối hợp với UBND quận Ba đình, Tây hồ và các ngành có liên quan thẩm định và trình UBND thành phố quyết định trích ngân sách Thành phố để thanh toán kinh phí đã đầu tư hợp pháp trên khu đất dự án…
Giám đốc Lê Quốc Khánh trầm tư trước dự án dang dở |
Ngày 10/10/1997, UBND TP Hà nội đã có Thông báo số 177/TB-UB về việc giao cho Công ty IDC làm chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà ở bán tại khu vực Hồ An Dương; Thành phố lập hồ sơ sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai; Công ty IDC có trách nhiệm giành 30% quỹ nhà để bán theo giá đảm bảo kinh doanh cho nhu cầu GPMB và người có thu nhập thấp…
Tiếp theo là các công văn của các sở ban ngành thống nhất và hướng dẫn cho Công ty IDC tiếp tục thực hiện dự án trên 8.400 m2, như Công văn số 599/TTĐC ngày 17/5/1997 của Sở Địa chính TP Hà nội; Công văn số 519/CV-UB ngày 22/12/1997 của UBND Quận Tây Hồ về việc nhất trí chủ trương giao đất Hồ An dương cho Công ty IDC; Công văn số 375/KTST-ĐT3 ngày 31/3/1998 của Kiến trúc sư trưởng TP Hà nội về việc thỏa thuận quy hoạch kiến trúc cho khu đất hồ An dương…
Sau thông báo 177 của UBND TP Hà nội và các công văn hướng dẫn của các sở ban ngành, Công ty IDC tiếp tục huy động thêm vốn đầu tư, triển khai các bộ máy hoạt động để vận hành dự án, gia tăng các chi phí đầu tư và quản lý…
Thế nhưng, sau 2 năm chờ đợi 8.400 m2 vẫn không được giao lại cho Công ty IDC và do thay đổi chính sách mà toàn bộ 8.400 m2 san lấp đã bị biến mất và được chuyển thành Dự án Hồ An Dương do Chính phủ cấp (theo quyết định số 914/QĐ-TTg ngày 28/9/1999 và buộc Công ty IDC phải nộp thuế sử dụng đất trên tổng dự án 13.970 m2 đã bao gồm 8.400 m2 đất mà IDC đã thực hiện san lấp – theo văn bản xác nhận nghĩa vụ tài chính số 1563/CT-KKKTT).
Và cho đến nay, sau 26 năm thực hiện hạng mục san lấp hồ An dương, Công ty IDC vẫn chưa nhận được bất kỳ một khoản đền bù hạng mục san lấp Hồ An Dương nào.
Không có vốn để duy trì, sự kiên nhẫn của các cổ đông có giới hạn. IDC rơi vào bờ vực phá sản.
Sau khi 8.400m2 bị “biến mất”, nhiều cổ đông mất niềm tin, kiện tụng và rút khỏi dự án. Công ty phải huy động nhiều nguồn vốn khác để trả vốn góp cho các cổ đông, đồng thời phải chi trả lãi vay và bồi thường thiệt hại do không thực hiện dự án như cam kết.
Công ty IDC bị lâm vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, phải vay mượn vốn nhiều nguồn khác nhau với lãi suất cao để duy trì bộ máy và trả các khoản nợ vay… Áp lực tài chính nặng nề, các khoản vay hiện nay đã quá hạn trả. Tổng chi phí phát sinh mà Công ty IDC phải chi trả từ hạng mục san lấp tính đến thời điểm này phải lên đến 200 tỉ đồng.
Thái Bình