Ngoài những người trong gia đình, tôi muốn để thừa kế lại cho người ngoài gia đình đang ở tuổi chưa thành niên có được không?

Vợ tôi chỉ biết bản thừa kế này, khi bản thừa kế được công khai có được không? 

Thứ nhất : Quyền của người lập di chúc

Căn cứ theo Bộ luật dân sự năm 2015 quy định tại  

{keywords}
Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Điều 613. Người thừa kế

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Điều 626. Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Theo quy định của pháp luật thì Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Pháp luật hiện nay ưu tiên việc chia thừa kế theo di chúc, trong trường hợp người để lại di sản không để lại di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực pháp luật thì di sản mới được chia theo pháp luật. Nếu di chúc của bạn đáp ứng nội dung và hình thức theo quy định pháp luật thì việc muốn để thừa kế lại cho người ngoài gia đình là hợp pháp.

Thứ hai: Việc để lại di chúc cho người chưa thành niên

Tại Điều 21 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”.

 Do thông tin bạn nêu không rõ để lại di sản là bất động sản hay tài sản khác, nên nếu bạn muốn để lại di chúc phần di sản là bất động sản cho người chưa thành niên thì người này được nhận di sản và có người đai diện theo pháp luật của người đó thực hiện và xác lập.

   Thứ ba: Việc công khai di chúc

Bộ luật Dân sự 2015 tại Điều 647. Công bố di chúc

1. Trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì công chứng viên là người công bố di chúc.

2. Trường hợp người để lại di chúc chỉ định người công bố di chúc thì người này có nghĩa vụ công bố di chúc; nếu người để lại di chúc không chỉ định hoặc có chỉ định nhưng người được chỉ định từ chối công bố di chúc thì những người thừa kế còn lại thỏa thuận cử người công bố di chúc.

3. Sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc.

Căn cứ theo quy định trên, chỉ sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc

Tư vấn bởi luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư TP HN. 

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc