Luật sư tư vấn:

Di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Trong trường hợp di chúc được lập hợp pháp, những người được hưởng di sản thừa kế được đứng ra yêu cầu chia thừa kế theo di chúc. Vậy trường hợp không có di chúc thì ai là người có quyền đứng ra yêu cầu chia thừa kế? Đây cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm khi chia thừa kế.

{keywords}
Ảnh minh họa

Căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 về Người thừa kế theo pháp luật như sau:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”. 

Như vậy, theo quy định trên khi không có di chúc để lại, những người thuộc cùng một hàng thừa kế sẽ được thừa kế phần di sản bằng nhau, đồng thời có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế ngang nhau trong trường hợp những người này được xác định là người thừa kế hợp pháp.

Về thứ tự quyền ưu tiên yêu cầu chia thừa kế đầu tiên theo thứ tự hàng thừa kế quy định trong Bộ luật Dân sự nêu trên. Nếu trong trường hợp không còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất, thì những người thuộc hàng thừa kế thứ hai có quyền yêu cầu chia thừa kế ngang nhau. 

Ngoài ra, cần chú ý về thời hiệu yêu cầu chia thừa kế, pháp luật quy định từng khoảng thời gian cụ thể đối với bất động sản, động sản là khác nhau.  Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 về thời hiệu thừa kế:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này…”.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc

Làm thủ tục khai nhận thừa kế ở đâu?

Làm thủ tục khai nhận thừa kế ở đâu?

- Người thân chúng tôi mới mất, có để lại tài sản thừa kế cho các con nhưng chưa biết khai nhận thừa kế ở đâu và thủ thục thế nào? Xin tư vấn giùm chúng tôi.