Tuổi của tôi cũng không còn trẻ để trì hoãn nữa. Tôi muốn có một đứa con bằng việc thụ tinh trong ống nghiệm hoặc bơm tinh trùng. Tôi phải làm thế nào để thực hiện việc này. Khi xin tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng tôi có được biết về nhân thân của cha đứa trẻ không? Cám ơn luật sư. Bạn đọc giấu tên ở Phú Nhuận. 

Ngày nay có rất nhiều phụ nữ đơn thân muốn có con mà không muốn lấy chồng vì nhiều lý do khác nhau. Luật cho phép người phụ nữ sống độc thân được sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh ống nghiệm. Chúng tôi đưa ra cơ sở pháp lý để bạn có thể thực hiện yêu cầu của mình  một cách thuận lợi.  

{keywords}
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cho phép người phụ nữ sống độc thân được sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Khoản 2, điều 93, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra (kể cả trường hợp người phụ nữ đó không có noãn, hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai, phải xin phôi, họ vẫn được xác định là mẹ của con được sinh ra).

Điều 3, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định một số nguyên tắc như sau: Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa;

Việc thụ tinh trong ống nghiệm, cho và nhận noãn, cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện.

Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.

Việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải tuân theo quy trình kỹ thuật; quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con được nhận tinh trùng nếu noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai. Nếu họ không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai thì họ được nhận phôi.

Điều kiện để nhận tinh trùng là bạn phải có đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con; không đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B; không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng (khoản 3, điều 4 nghị định này); Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người nhận tinh trùng, nhận phôi (khoản 5, điều 5, nghị định này).

Như vậy, bạn sẽ không thể biết được danh tính của người cho tinh trùng và người cho tinh trùng cũng sẽ không biết bạn là người đã nhận tinh trùng đó. Đây là quy định của pháp luật nhằm tránh các tranh chấp có thể xảy ra khi xác nhận cha, mẹ, con về sau.

Tư vấn bởi luật sư Nguyễn Thị Thanh

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc

Bác sĩ tự dùng tinh trùng thụ tinh cho bệnh nhân, sinh ra 49 đứa con

Bác sĩ tự dùng tinh trùng thụ tinh cho bệnh nhân, sinh ra 49 đứa con

Sau hơn 1 năm điều tra, kết quả giám định ADN cáo buộc một bác sĩ sản khoa đã tự ý sử dụng tinh trùng của mình thụ tinh cho các cặp vợ chồng, sinh ra 49 đứa con.