Bạn tôi đi đúng làn đường và tốc độ cho phép, không vi phạm luật giao thông, cũng không có lỗi trong vụ va chạm. Bạn cũng mang xe đạp của người kia đi sửa. Xin hỏi bạn tôi có cần chịu trách nhiệm gì trong vụ việc này nữa không?
Ảnh minh họa |
Luật sư tư vấn:
Đối với bồi thường do có thiệt hại xảy ra trong tham gia giao thông tuân, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Theo bạn trình bày thì người bạn của bạn đi đúng làn đường và tốc độ cho phép, không vi phạm pháp luật về giao thông và không có lỗi trong việc gây ra vụ va chạm. Nếu căn cứ theo kết luận của cơ quan điều tra, việc xem xét yếu tố lỗi sẽ căn cứ vào sự thật khách quan, nguyên nhân, hậu quả của sự việc. Nếu việc xảy ra bị thương nhẹ, hai bên có thể thống nhất việc bồi thường trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại do chiếc xe đạp bị hư hỏng và bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
4. Thiệt hại khác do luật quy định.
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
Bạn lưu ý người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc
Người nước ngoài có được hưởng thừa kế BĐS ở Việt Nam?
Chồng là người nước ngoài lấy vợ Việt Nam rồi định cư ở Việt Nam. Hai vợ chồng mua đất nông nghiệp, xây nhà ở và trồng cây. Vợ mất để lại đất cho chồng. Vậy chồng có được phép hưởng di sản, tiếp tục sống trên đất đó không?