- Bà nội tôi trước kia buôn bán lớn trong huyện nên tài sản có rất nhiều, gồm nhiều đất đai, nhà cửa, vàng bạc và tiền mặt gửi ngân hàng. Bà tôi có 6 người con, gồm 3 trai, 3 gái, trong đó bố tôi là con trai thứ.
Cách đây 5 năm, chú út lập gia đình với một người cùng quê, bị mọi người phản đối do nghi ngờ cô ta lấy chú vì tài sản. Sau 2 năm chung sống và có với nhau 1 người con, cô này ngoại tình và li dị chú tôi, đòi quyền nuôi con và được chia một khoản tiền lớn.
Nay bà nội tôi qua đời, để lại tài sản chia đều thành 6 phần cho 6 người con, vợ cũ của chú mang con đến đòi được chia tài sản. Chú tôi nói chỉ sau khi chú chết, con trai chú mới được nhận tiền, còn cô không có quyền gì hết, nhưng cô ta cứ mang con đến ăn vạ. Xin hỏi luật sư, nay chú tôi muốn giành quyền nuôi con vì vợ cũ không đủ khả năng kinh tế thì có được tòa án chấp nhận không? Vợ cũ của chú có quyền đòi chia tài sản thừa kế của bà nội cho chú không? Xin chân thành cảm ơn.
Vợ cũ của chú không có điều kiện kinh tế để nuôi con (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất, vợ đã ly hôn có được quyền đòi chia di sản hay không
Thông tin câu hỏi không nêu rõ bà bạn có để lại di chúc hay không, nếu bà không để lại di chúc thì di sản được chia theo quy định pháp luật, có nghĩa là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định theo điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm ông nội, 6 người con sẽ được hưởng thừa kế. Vợ cũ của chú bạn không có quyền đòi quyền thừa kế di sản từ bà nội vì không thuộc hàng thừa kế nào nên không được hưởng di sản thừa kế. Con của chú là người được hưởng di sản thừa kế ở hàng thừa kế thứ hai nên chỉ được hưởng thừa kế khi không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất do đã chết, hoặc không có quyền hưởng di sản, hoặc bị truất quyền hưởng di sản, hoặc từ chối nhận di sản. Do đó, con của chú cũng không được hưởng quyền thừa kế.
Thứ hai, về vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con
Theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức như cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; Lợi ích của con như việc học hành, chăm sóc về ăn uống, chỗ ở, vui chơi giải trí,….
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, để giành lại quyền nuôi con, chú bạn có thể:
- Thỏa thuận với vợ cũ về việc được trực tiếp nuôi con và chăm sóc con
- Tự mình yêu cầu Tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con
- Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên, nếu con của chú bạn từ đủ 07 tuổi trở lên. Khi có đủ các điều kiện trên chú bạn có quyền gửi đơn ra Tòa yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Để thực hiện quyền yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, chú phải gửi hồ sơ tới Tòa án nhân dân quận, huyện nơi vợ cũ của chú bạn cư trú.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc