Ngày 19/6/2002, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 2016/2002/QĐ-UBND về việc mở rộng Khu di tích lịch sử Lam Kinh từ 141 ha lên 200 ha. Trong đó, UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) có nhiệm vụ tổ chức di dời dân, mồ mả trong khu di tích và giải phóng mặt bằng.
Theo quy hoạch mở rộng Khu di tích Lam Kinh có 31 hộ dân thuộc thôn Phúc Lâm, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) nằm trong diện di dời đến nơi TĐC để giải phóng mặt bằng cho khu di tích.
Năm 2004, UBND huyện Thọ Xuân đã tiến hành kiểm kê tài sản, đất đai và khu TĐC mới cách khu đất các hộ dân đang ở hơn 500m cũng được giải phóng mặt bằng.
Nhưng cũng từ khi quy hoạch, đã 17 năm qua, 31 hộ dân nơi đây vẫn phải sống trong những ngôi nhà xuống cấp, sập xệ, nhiều nhà chờ sập mà chưa được chuyển đến nơi ở mới.
Ở chỗ cũ, người dân cũng không được sửa chữa, nâng cấp cũng như chuyển nhượng nhà đất. Hệ thống điện, nước, vỉa hè, đường xá không được đầu tư nâng cấp khiến cuộc sống của họ hết sức khó khăn.
ằm trong diện giải tỏa nhưng do không được nâng cấp, sửa chữa nên ngôi nhà của bà Đỗ Thị Minh (thôn Phúc Lâm, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân) xuống cấp, hư hỏng và có nguy cơ sập mái bất cứ khi nào.
Trao đổi với PV Infonet bà Minh bức xúc cho biết: "Đã 15 năm trôi qua kể từ khi kiểm kê tài sản, nhà cửa nhưng đến nay người dân vẫn chưa được đền bù đến nơi ở mới. Chúng tôi đề nghị cấp trên, nếu đi thì trả lời cho người dân biết, nếu không đi thì cũng trả lời cho dân để chúng tôi còn nâng cấp, sửa chữa lại nhà ở".
Dù trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và với cả đại biểu Quốc hội nhưng sau nhiều lần kiến nghị, người dân nơi đây vẫn chưa thể di chuyển đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.
Chính vì vậy ngày 31/7 vừa qua, người dân tại đây lại gửi đơn kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc có di dời các hộ dân ra khỏi khu di tích như Quyết định năm 2002 hay không?
Ông Nguyễn Văn Đểnh, một hộ dân cho biết: "Từ năm 2004, đo đạc, khảo sát để áp giá đền bù nhưng đến nay vẫn chưa thấy đền bù. Khi đã công bố quy hoạch rồi thì nhân dân không giám cơi nới, sửa chữa mặc dù nhà xuống cấp. Thậm chí một số nhà đã phải đi nơi khác ở để đảm bảo an toàn".
Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của công dân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở VHTT&DL chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân rà soát, báo cáo kết quả và kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 10 này.
Theo báo cáo ban đầu của Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh về kết quả kiểm tra, rà soát các hộ bị ảnh hưởng nằm trong quy hoạch mở rộng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (giai đoạn 1) còn lại 97 hộ. Trong đó, 31 hộ dân ở thôn Phúc Lâm, xã Xuân Lam đã có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh và 66 hộ dân ở thị trấn Lam Sơn.
Hiện nay khu TĐC mới đã được đầu tư mặt bằng, hệ thống điện, nước hoàn chỉnh. Nhưng do chưa bố trí được nguồn ngân sách đền bù, giải phóng mặt bằng nên người dân vẫn chưa thể chuyển đến nơi ở mới này. |
Theo ông Nguyễn Đình Tớn (73 tuổi, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lam): "Từ khi chợ di dời, con đường QL 15 bị rào lại khiến cuộc sống của chúng tôi gặp nhiều khó khăn, leo lắt. Người dân tại đây sóng trong cảnh chờ đợi, kinh tế không phát triển".
Theo ghi nhận của PV Infonet, tại khu vực này do để lâu không nâng cấp, sửa chữa nên đã có hơn 10 nhà hư hỏng, sập xệ. Nhiều gia đình đã phải đi thuê nơi khác ở, nhiều nhà khác vay mượn mua khu đất nơi mới để sinh sống.
Infonet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!
Trần Nghị
Dự án khu công nghiệp "treo" gần 20 năm giờ vẫn hoang phế, cỏ mọc um tùm
Gần 20 năm qua Khu công nghiệp Phong Phú vẫn còn dang dở, thậm chí còn phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật về xây dựng.