Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, trong đó có nội dung về việc sắp xếp, xử lí nhà, đất trước khi cổ phần hóa của Vicem.
Vicem là doanh nghiệp thuộc 100% sở hữu của Nhà nước, do Bộ Xây dựng làm đại diện thực hiện cổ phần hoá (CPH) theo Danh mục doanh nghiệp thực hiện CPH đến hết năm 2020. Theo quy định của Chính phủ, Vicem phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước mà doanh nghiệp này đang quản lý, sử dụng.
Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Hà Nội) được khởi công từ năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2014 được xây dựng trên diện tích 8.476m2 và có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, nay chỉ là cảnh hoang tàn, toà tháp nằm “trơ xương” cạnh đường vành đai 3.
|
Thời gian qua, báo chí đã phản ánh về phương án sắp xếp, xử lý do Vicem đề xuất đối với 3 cơ sở nhà đất tại lô đất 10E6 Phạm Hùng; Dự án Khu tổng hợp tại ngõ 122 Vĩnh Tuy và Dự án thuộc Khu công nghiệp Đông Hồi.
Nêu tại báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng cho biết các phương án do Vicem đề xuất đang trong quá trình xem xét của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chưa được phê duyệt.
Cụ thể: Đối với lô đất 10E6 Phạm Hùng thuộc Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Hà Nội), theo Bộ Xây dựng, phương án sắp xếp, xử lí nhà đất tại khu đất 10E6 Phạm Hùng đã được Bộ phê duyệt tại quyết định 659 (ngày 9/6/2015). Theo đó, Vicem được giữ lại, tiếp tục quản lí, sử dụng để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, sau khi rà soát tổng thể, Vicem nhận thấy việc tiếp tục bỏ vốn để thực hiện Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, các chỉ tiêu tài chính thực sự không còn hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo phê duyệt trước đây, Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem ngoài chức năng là trụ sở điều hành, một phần còn lại sẽ được khai thác, kinh doanh mặt bằng cho thuê văn phòng.
Tuy nhiên, theo Đề án tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2019 – 2025 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt doanh nghiệp cần tập trung vào lĩnh vực chính là kinh doanh, sản xuất xi măng, còn phát triển bất động sản không thuộc thế mạnh của Tổng công ty.
Với những lí do trên, tháng 11/2019, Vicem đã đề xuất Bộ Xây dựng điều chỉnh từ hình thức “tiếp tục quản lý, sử dụng để thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Điều hành và giao dịch Vicem” sang hình thức "Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất" theo quy định của Chính phủ.
Dự án Khu Tổng hợp Vĩnh Tuy tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (Hà Nội), đối với dự án này, theo quyết định 1170 (ngày 16/5/2015) của Bộ Xây dựng, Vicem tiếp tục quản lý, sử dụng để triển khai dự án Khu Tổng hợp Vĩnh Tuy theo đúng quy định, phù hợp quy hoạch của TP Hà Nội.
Về phía Vicem, doanh nghiệp này đề xuất điều chỉnh từ hình thức "tiếp tục quản lý, sử dụng để triển khai dự án xây dựng Khu Tổng hợp Vĩnh Tuy" sang hình thức "Cho phép Vicem tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất để đáp ứng hoạt động kinh doanh của Vicem".
Đề xuất của Vicem đã được Bộ Xây dựng đồng ý, đồng thời có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét.
Theo Bộ Xây dựng, phương án đề xuất của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) với 3 cơ sở nhà đất đang trong quá trình xem xét của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chưa được phê duyệt. |
Dự án Nhà máy Kết cấu bê tông - Vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi (Nghệ An), theo quyết định 500 (ngày 16/4/2018) của Bộ Xây dựng, Vicem được giữ lại tiếp tục quản lí, sử dụng để thực hiện dự án theo quyết định.
Đến tháng 5/2020, Vicem đã trình Bộ Xây dựng đề nghị điều chỉnh khu đất này sang hình thức "Chuyển nhượng dự án cho Vicem Hoàng Mai" để đảm bảo cho Vicem Hoàng Mai có địa điểm xây dựng Trạm nghiền xi măng tại Đông Hồi thuộc Dự án Xi măng Hoàng Mai 2.
Về lí do điều chỉnh, Vicem cho rằng, thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng đất không nung gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2014, Vicem đã tạm dừng thực hiện dự án. Đến ngày 25/8/2016, Tổng công ty đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An về việc chuyển nhượng dự án cho Vicem Hoàng Mai tiếp tục đầu tư, đơn vị thành viên của Vicem.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc thực hiện sắp xếp, xử lý đối với các cơ sở nhà đất do Vicem quản lý, sử dụng trước khi lập phương án CPH là đúng trình tự, thủ tục quy định.
Cũng theo Bộ này, phương án đề xuất của Vicem đối với 3 cơ sở nói trên là dựa trên tình hình thực tế của Vicem và chủ trương của Chính phủ.
“Phương án này đang trong quá trình xem xét của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chưa được phê duyệt” – Bộ Xây dựng cho biết.
Đồng thời Bộ cũng nêu rõ: Trường hợp "Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất" và "chuyển nhượng dự án" đối với lô đất 10E6 Phạm Hùng và Dự án Nhà máy thuộc Khu công nghiệp Đông Hồi như đề xuất được phê duyệt, Vicem có trách nhiệm thực hiện một cách công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản của nhà nước.
Hiện Vicem đang tập trung làm việc với các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất này theo đúng quy định đảm bảo kế hoạch CPH theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trước đó, như VietNamNet thông tin, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an mới đây đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng về việc cung cấp thông tin, tài liệu. Theo đó, C03 cho biết, đơn vị đang điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) trong việc đầu tư dự án Khu dịch vụ tổng hợp 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội).
Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, Cục Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu gồm: Các văn bản, chủ trương, chỉ đạo của Bộ Xây dựng và tình trạng hiện nay của 2 dự án trên.
Cùng với đó là các tài liệu về kết quả thanh tra, việc xử lý kết quả sau thanh tra (trong đó có vai trò cá nhân có liên quan) của Thanh tra Bộ Xây dựng đối với 2 dự án.
Bình Minh
Hoang tàn dự án của ‘ông lớn’ Vicem đang bị Bộ Công an điều tra
2 dự án của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) tại Hà Nội với diện tích hơn 60.000m2 hiện chưa hoàn thành phương án sắp xếp, xử lý nhà đất.